Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP Nghệ An
Nghệ An là
tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp của Nghệ An tăng trưởng ở
mức cao so với bình quân Vùng và cả nước. Các sản phẩm nông nghiệp (nông, lâm,
thủy sản) đa dạng theo vùng miền; hiện nay trên địa bàn tỉnh, các sản phẩm
đạt tiêu chí OCOP cũng ngày càng phong phú. Tuy nhiên, việc xúc tiến thương
mại, tiêu thụ các sản phẩm còn nhỏ lẻ, chưa mang tính phổ biến trong hệ thống
người tiêu dùng, rộng lớn tới khắp mọi miền đất nước. Đứng trước thực tế
đó, chiều ngày 17/11/2024, tại thành phố
Vinh, Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường - Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Kết nối khách hàng-nhà phân phối-đơn
vị sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP của
tỉnh Nghệ An năm 2024.
Để đồng hành cùng doanh nghiệp
và các cơ sở sản xuất các sản phẩm nông lâm thủy sản, sản phẩm OCOP, Chi cục
Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường – Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn đã chú trọng vào các hoạt động kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ
hàng nông sản, các sản phẩm OCOP, các sản phẩm có thế mạnh của địa phương như:
hỗ trợ triển khai kết nối và thu hút được các thương nhân, doanh nghiệp đầu tư,
phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản; tổ
chức các hội nghị, hội thảo, tham gia các hội chợ trưng bày, quảng bá, giới
thiệu các sản phẩm có lợi thế của các địa phương nhằm kết nối tiêu thụ ổn định
vào chuỗi phân phối của các siêu thị lớn trong nước và tiến tới xuất khẩu. Hỗ
trợ các địa phương, doanh nghiệp, nhà sản xuất xây dựng mô hình phát triển các
sản phẩm nông sản đạt các yêu cầu của thực tiễn; đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm thủy sản tiềm năng,
sản phẩm OCOP.
Việc chủ
động các biện pháp xúc tiến thương mại sẽ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận
thức cho đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và sử dụng các sản
phẩm nông lâm thủy sản do các doanh nghiệp sản xuất.
Thực tế cho thấy, việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến
thương mại, tăng cường kết nối giữa các nhà sản xuất và kênh phân phối đã phát
huy hiệu quả. Không chỉ đảm bảo nguồn hàng được tiêu thụ ổn định, nhiều đặc sản
địa phương đã nâng cao được giá trị nhờ cách làm bài bản với sự hỗ trợ của các
đơn vị tổ chức chuyên nghiệp.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Xuân Học – Phó Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Nghệ An là tỉnh có thế
mạnh về sản xuất nông nghiệp, đa dạng các sản phẩm vùng miền. Bên cạnh thúc đẩy
sản xuất, chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản, tỉnh Nghệ An còn quan tâm nâng
cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, hình ảnh sản phẩm, nhãn mác, bao bì và
truy xuất nguồn gốc”.
Người tiêu dùng hiện nay không chỉ mua hàng qua kênh
thương mại truyền thống mà còn đẩy mạnh tiêu dùng trên nền tảng thương mại điện
tử, mạng xã hội… Để hướng tới đẩy mạnh tham gia các hình thức thương mại nói
trên, Hội nghị đã phổ biến, hướng dẫn tới người sản xuất phương thức bán hàng
trên các nền tảng của thời đại 4.0, nhằm đa dạng hóa các hình thức xúc tiến
thương mại, mở ra thị trường mới, gia tăng cơ hội tiếp cận khách hàng và mang
lại hiệu quả kinh tế vượt trội cho doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà sản xuất và
các địa phương; công tác xúc tiến thương mại đã và đang được triển khai với
nhiều giải pháp tích cực.
Chia sẻ về các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm nông
lâm thủy sản, sản phẩm OCOP của Chi cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị
trường – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các doanh nghiệp, hợp
tác xã, nhà sản xuất cho hay: “sau mỗi lần tham gia xúc tiến, giới thiệu, quảng
bá sản phẩm, đơn vị có thêm các đối tác, khách hàng mới, số lượng sản phẩm được
tiêu thụ nhiều hơn. Đây cũng là mong muốn khi chúng tôi tham gia các sự kiện
này. Và sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục khai thác hình thức quản bá, xúc tiến
online để đẩy mạnh thêm đầu ra cho các sản phẩm”.
Cũng tại Hội nghị, đại diện của các siêu thị cũng đã
chia sẻ về các tiêu chí của sản phẩm khi được lựa chọn trưng bày, bày bán tại
siêu thị như đảm bảo đầy đủ các hồ sơ pháp lý, nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng đầy
đủ các điều kiện về an toàn thực phẩm theo quy định của nhà nước nói chung,
cũng như các quy định nói riêng về hàng hóa tiêu thụ của siêu thị.
Hội nghị diễn ra lần này đã có 9 biên bản ký kết tiêu
thụ sản phẩm giữ các đơn vị tiêu thụ sản phẩm như siêu thị, nhà phân phối với
các cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản, và chủ thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn
tỉnh.
Việc chủ động các biện pháp xúc tiến thương mại, xúc
tiến tiêu thụ hàng nông lâm thủy sản và sản phẩm OCOP sẽ tạo sự chuyển biến
mạnh mẽ về nhận thức cho đa số người tiêu dùng trong việc ưu tiên lựa chọn và
sử dụng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất; đẩy mạnh phát triển
các hình thức tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và nhà sản
xuất của tỉnh./.
Nguồn tin: Phạm
Thi – CLCBTT