Hiệu quả từ chính sách giao rừng, giao đất cho cộng đồng và hộ gia đình tỉnh Nghệ An
Tại xã Yên Thắng hiện được giao quản lý 4.758,0 ha rừng. Thời gian qua, xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng
Những năm qua, nhờ làm tốt chính sách giao rừng, giao đất cho cộng đồng và hộ gia đình, tỉnh Nghệ An đã phát huy hiệu quả công tác bảo vệ rừng, giúp người dân cải thiện đời sống.
Tại huyện Tương Dương, một trong những địa phương thực hiện tốt công tác này, đã được Trung tâm Hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững là đơn vị KH&CN trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tài trợ toàn bộ kinh phí giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp trên địa bàn 02 xã xã Yên Na và Yên Thắng, đến nay đã hoàn thành xong dự án ” Giao đất giao rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam” với mục tiêu phát triển của dự án: Các hộ người dân tộc thiểu số được tham gia tiếp cận tốt hơn với rừng và đất rừng phục vụ cho phát triển sản xuất và đời sống.
Đoàn Điều tra quy hoạc lâm nghiệp Nghệ An phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ giá trị bản địa và môi trường bền vững, cùng UBND huyện Tương Dương, 02 xã Yên Na và Yên Thắng đã giao hơn 7.073,9 ha rừng và đất lâm nghiệp cho gần 832 hộ gia đình và 15 cộng đồng dân cư quản lý bảo vệ.
Đơn cử như, sau khi đề án được triển khai, công tác bảo vệ rừng tại Bản Na Bón, xã Yên Na có nhiều tiến triển trong công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng khi có 154 hộ gia đình chia thành 16 nhóm, mỗi nhóm từ 7 - 10 gia đình có rừng, đất rừng được giao gần nhau phối hợp để đi tuần tra, kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng được giao. Vào mùa khô, mỗi nhóm thực hiện tuần tra, bảo vệ rừng 4 lần/tháng, mùa mưa từ 1-2 lần/tháng.
Qua đó, đảm bảo mỗi ngày có nhóm đi tuần tra rừng. Mọi bất thường phát hiện được trong quá trình tuần tra rừng đều được báo về cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương có biện pháp xử lý kịp thời. Nhờ đó, diện tích rừng các gia đình nhận quản lý luôn được bảo vệ an toàn…
Hay như, tại xã Yên Thắng hiện được giao quản lý 4.758,0 ha rừng. Thời gian qua, xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tập trung phát triển rừng, đưa những giống mới có năng suất cao vào trồng; thực hiện hỗ trợ cây, con giống, kỹ thuật cho người dân nhằm đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ làm tốt công tác vận động, người dân xã Yên Thắng nhận thấy được lợi ích và hiệu quả kinh tế từ rừng mang lại nên không chỉ chủ động đăng ký tham gia trồng rừng mà còn đầu tư vốn, bỏ công sức chăm sóc diện tích rừng trồng.
Theo UBND xã Yên Thắng, trong năm 2021, xã được giao chỉ tiêu trồng 35 ha rừng. Để đạt kế hoạch đề ra, chính quyền xã Yên Thắng chỉ đạo các tổ chức chính trị, xã hội của địa phương tăng cường phối hợp tuyên truyền vận động bà con tích cực tham gia thực hiện. Đến nay, xã đã vận động được 65 hộ.
Thực tế cho thấy, qua công tác triển khai công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn huyện Tương Dương trong những năm qua đã góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước với người dân nhận rừng, đất rừng. Đặc biệt, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập và năng lực bảo vệ rừng cho người dân.
Chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân. Việc thu hút người dân, đặc biệt là các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức cần thiết.
Theo đánh giá của UBND tỉnh Nghệ An, việc giao đất giao rừng đã góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống của người dân khi hưởng lợi từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng. Kết quả thu 6 tháng đầu năm 2022 là: 63.602,15 triệu đồng đạt 54% kế hoạch. Về công tác giải ngân, những tháng đầu năm 2022, chi hoạt động quản lý và tạm ứng kinh phí BVR năm 2022 và hoàn thành thanh toán tiền DVMTR năm 2021 với tổng số tiền 88.874,12 triệu đồng.
Cùng với đó, thông qua hoạt động hỗ trợ sau giao đất giao rừng, công tác xã hội hoá nghề rừng được đẩy mạnh; nguồn lao động của địa phương được huy động để bảo vệ rừng gắn với phát triển bền vững tài nguyên rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện đời sống người dân, xây dựng nông thôn mới.
Mặc dù việc quản lý, sử dụng rừng và đất lâm nghiệp sau khi giao vẫn còn một số hạn chế như một số diện tích sử dụng sai mục đích, thu nhập từ rừng chưa tương xứng, xâm lấn đất rừng vẫn còn xảy ra… song chủ trương giao rừng, giao đất cho cộng động, hộ gia đình đã có bước chuyển biến rõ nét. Việc tác động tích cực của chính sách này là rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó thể hiện rõ qua sự thay đổi về ý thức bảo vệ tài nguyên rừng của người dân địa phương.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả từ chính sách giao rừng, giao đất, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt giao chỉ tiêu thực hiện thực hiện Đề án giao rừng gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn tình Nghệ An đợt 1 năm 2023. Theo đó, tổng nhu cầu vốn thực hiện đề án khoảng 10 tỷ đồng với tổng diện tích giao 25.093,279 ha, trong đó: Giao rừng trên đất lâm nghiệp đã giao hoặc đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 8.966,769 ha; giao rừng đồng thời gắn với giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp 16.126,510 ha. Đối tượng hưởng lợi của đề án là người dân bản địa, cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Mục tiêu của đề án là phát huy nội lực của cộng đồng/hộ gia đình, có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm cải thiện sinh kế, phát triển kinh tế hộ gia đình hướng đến thu nhập khá và ổn định từ kinh tế rừng. Đồng thời, giảm áp lực cho công tác bảo vệ rừng, chấm dứt tình trạng phá rừng làm rẫy…
Quốc Hưng -Vũ Phương - ĐTQHLN