Trải qua chặng đường 50 năm hình thành và phát triển, ngành Kiểm lâm Việt Nam nói chung, Kiểm lâm Nghệ An nói riêng đã có những mốc son chói lọi, hào hùng và những bước đi thăng trầm của lịch sử, gắn với công cuộc đấu tranh, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Từ một ngành lấy mục tiêu quản lý, bảo vệ làm mục tiêu chính đến nay ngành Kiểm lâm của chúng ta đang thực hiện mục tiêu phát triển bền vững: quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản; gắn phát triển kinh tế lâm nghiệp với phát huy vai trò về môi trường sinh thái, quốc phòng và an ninh, an sinh xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Giữa những ngày tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược leo thang đánh phá Miền Bắc, một sự kiện quan trọng đối với ngành Lâm nghiệp, ngày 11/9/1972, Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ký Lệnh công bố: “Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng”.
Đây là bước ngoặt, là mốc son đánh dấu sự chuyển đổi trong quan niệm về rừng, nhận thức giá trị của rừng, về tầm quan trọng của công tác quản lý bảo vệ rừng đối với toàn Đảng, toàn dân nói chung và ngành Lâm nghiệp nói riêng.
Căn cứ vào Điều 16 và Điều 17 Chương III của Pháp lệnh, ngày 21/5/1973, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức và nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm nhân dân. Và ngày này, trở thành ngày truyền thống của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.
Chi cục Kiểm lâm nhân dân Nghệ An được thành lập ngày 03/02/1974 theo Quyết định số 170/QĐ của Tổng cục Lâm nghiệp, là một trong những đơn vị đầu tiên của miền Bắc sớm thành lập và đi vào hoạt động.
Trải qua 5 lần chuyển dời trụ sở làm việc, 8 lần chuyển giao thế hệ lãnh đạo, 8 lần thay đổi cơ chế quản lý: lúc hoạt động thống nhất ngành dọc từ trung ương xuống các huyện, lúc kiểm lâm trực thuộc UBND tỉnh, lúc trực thuộc Sở Lâm nghiệp, lại có khi bàn giao về cấp huyện.
Nhưng ở đâu, theo cơ chế quản lý và trong hoàn cảnh nào, Kiểm lâm Nghệ An vẫn luôn luôn là lực lượng chủ công trong lĩnh vực quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá của tỉnh.
Từ buổi đầu mới thành lập, trong tổng số 535 cán bộ, chiến sỹ thì hơn 80% là từ Quân đội, Thanh niên xung phong chuyển sang. Số cán bộ có chuyên môn chiếm tỷ lệ thấp: 8 người có trình độ đại học, 18 người có trình độ trung cấp nông lâm. Số còn lại hầu hết chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng.
Đến thời kỳ nhập tỉnh cuối năm 1976, tổng số cán bộ, công chức Kiểm lâm Nghệ Tĩnh lên tới gần 820 người, nhưng cũng chỉ có 29 đại học và 57 trung cấp, cơ sở vật chất, trang thiết bị công tác thiếu thốn, thô sơ và lạc hậu. Nhưng với tinh thần vượt khó “nhiệt tình bù chuyên môn” cán bộ, chiến sỹ Kiểm lâm Nghệ Tĩnh đã khắc phục mọi khó khăn, những hạn chế về trình độ hăng hái công tác, vừa làm, vừa học, làm và học để trưởng thành và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, góp phần thống nhất đất nước, Kiểm lâm Nghệ Tĩnh đã tuyển chọn 109 cán bộ, kiểm lâm viên tốt nhất chi viện cho các tỉnh phía Nam để xây dựng lực lượng Kiểm lâm. Các đồng chí này đã trở thành lực lượng nòng cốt cho Kiểm lâm các tỉnh bạn. Nhiều đồng chí được đề bạt, bổ nhiệm giữ vai trò lãnh đạo từ hạt trưởng, trưởng, phó phòng và lãnh đạo Chi cục. Tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ và trưởng thành, xứng danh với truyền thống quê hương, con người xứ Nghệ.
Do yêu cầu của nhiệm vụ của công tác bảo vệ và phát triển rừng, cuối năm 2008, Chi cục đã bàn giao 3 đơn vị trực thuộc: Vườn Quốc Pù Mát về UBND tỉnh, Khu BTTN Pù Huống về Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Bảo vệ tài nguyên và môi trường rừng về Chi cục Bảo vệ thực vật.
Bước vào đầu năm 2001, để đáp ứng với yêu cầu cấp bách của công tác quản lý bảo vệ rừng trong giai đoạn mới, Kiểm lâm Nghệ An đã xây dựng Đề án “Đổi mới tổ chức đưa kiểm lâm về địa bàn xã”. Là đơn vị đầu tiên của cả nước tổ chức tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đưa kiểm lâm viên về xã. Thực hiện phương châm chủ đạo: “bám rừng, gần dân tăng cường bảo vệ rừng tại gốc” để cùng với đội ngũ cộng tác viên bảo vệ rừng cấp xã trực tiếp tham mưu cho chính quyền địa phương, thực hiện chức năng quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại cộng đồng theo xu thế xã hội hoá. Mở ra một hướng đi tích cực, chủ động có tính chiến lược lâu dài, bền vững trong công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng.

Năm 2016, thực hiện đề án sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Sở Nông nghiệp và PTNT được UBND tỉnh ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND ngày 05/01/2016 về thành lập Chi cục Kiểm lâm trên cơ sở tổ chức lại Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm, bộ máy tổ chức của Chi cục Kiểm lâm gồm: Ban lãnh đạo Chi cục; 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ; 03 Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng; 21 Hạt Kiểm lâm cấp huyện.
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/04/2015 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Quyết định 2416/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lai đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Sở Nông nghiệp và PTNT giai đoạn 2018 - 2019; Đề án số 09-ĐA/TU ngày 18/04/2018 của Tỉnh ủy Nghệ An về “sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018 - 2021 và những năm tiếp theo” Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng Đề án thành lập các Hạt Kiểm lâm liên huyện, trên cơ sở hợp nhất các hạt Kiểm lâm cấp huyện thuộc Chi cục Kiểm lâm Nghệ An và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1043/QĐ-UBND ngày 07/4/2020.
Tổ chức bộ máy Chi cục Kiểm lâm hiện nay bao gồm:
Văn phòng Chi cục: Lãnh đạo Chi cục và 05 phòng chuyên môn nghiệp vụ: (Phòng Tổ chức TT&XDLL; Phòng Hành chính tổng hợp; Phòng QLBVR&BTTN; Phòng Sử dụng &PTR và Phòng Thanh tra pháp chế).
Các đơn vị trực thuộc: 13 Hạt Kiểm lâm cấp huyện; 04 hạt Kiểm lâm liên huyện và 3 đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng (giảm 04 hạt Kiểm lâm).
Về biên chế công chức viên chức: Tổng số công chức, viên chức và hợp đồng lao động hiện có 334 người, trong đó: công chức: 261 người, viên chức: 40 người, hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP: 27 người. So với tổng biên chế được UBND tỉnh giao năm 2023 thì hiện còn thiếu 45 công chức và 02 viên chức.
Về cơ sở vật chất, phương tiện làm việc được trang bị tương đối đầy đủ và ngày càng cao, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý bảo vệ rừng theo hướng khoa học và hiện đại, từng bước đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng.
Cùng với việc chú trọng chăm lo công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng, đào tạo cập nhật nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cán bộ, công chức, lực lượng Kiểm lâm Nghệ An trong thời gian qua đã thực sự có những tiến bộ vượt bậc trong nhận thức tư tưởng chính trị và trình độ chuyên môn. Trong thực thi nhiệm vụ, xử lý các vi phạm pháp luật về rừng đảm bảo nghiêm minh, ít sai sót, được các cấp, các ngành, quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao.
Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chi Minh kính yêu: “Rừng là vàng, nếu mình biết bảo vệ và xây dựng thì rừng rất quý”, lực lượng quản lý bảo vệ rừng Nghệ An nói chung và Kiểm lâm nói riêng đã bám sát các chức năng nhiệm vụ, bằng nhiều giải pháp tổng hợp, khoa học bảo vệ vững chắc tài nguyên rừng hiện có của tỉnh, tích cực tham gia phát triển vốn rừng, cùng nhân dân tỉnh nhà nâng cao độ che phủ của rừng từ 42% vào năm 2001 và đạt 58,36% vào năm 2022. Đóng góp một cách xứng đáng vào việc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái.
Thực hiện chức năng quản lý rừng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên, kịp thời của UBND tỉnh (trước đây) và Sở NN & PTNT (hiện nay), lực lượng Kiểm lâm đã tích cực chủ động phối hợp các ban, ngành chuyên môn và các địa phương tổ chức giao đất, giao rừng cho các đối tượng. Đến nay, cơ bản 90% đất lâm nghiệp của tỉnh đã có chủ quản lý kinh doanh sử dụng. Từ thành quả của giao đất, giao rừng tạo ra một bước phát triển vững chắc trong xã hội hoá công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đặc biệt là, góp phần quan trọng trong định canh định cư, di dân tư do, hạn chế phát rừng làm rẫy và gây cháy rừng. Tạo điều kiện cho các chủ rừng, chủ hộ gia đình có cơ sở vật chất, tiền vốn, sức lao động đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế trang trại vườn rừng, vườn đồi phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ rừng và đất lâm nghiệp.
Được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ hơn 962 ngàn ha đất có rừng, nhiều vùng còn rất giàu có về tài nguyên động, thực vật rừng và tính đa dạng sinh học. Vì vậy, trong chiến lược bảo vệ và phát triển rừng, Kiểm lâm Nghệ An rất quan tâm đến việc xây dựng các khu rừng đặc dụng và rừng phòng hộ, vừa đảm bảo giữ nguyên được vốn rừng, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội thông qua các hoạt động: Nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học, tham quan du lịch sinh thái và bảo vệ môi trường.
Thực hiện phương châm đó, trong những năm qua Kiểm lâm Nghệ An đã trực tiếp xây dựng và tổ chức quản lý 03 khu rừng đặc dụng: Vườn Quốc gia Pù Mát hơn 94 ngàn ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống gần 50 ngàn ha, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt hơn 90 ngàn ha, cùng nhiều khu rừng phòng hộ xung yếu. Triển khai thực hiện hơn 50 mô hình quản lý bảo vệ rừng và sản xuất nông lâm kết hợp trên các vùng sinh thái khác nhau. Khu dự trữ sinh quyển Tây Nghệ An với diện tích hơn 1,1 triệu ha, được tổ chức UNESCO công nhận vào năm 2007 có phần đóng góp của Chi cục Kiểm lâm Nghệ An.
Bên cạnh đó, Lực lượng Kiểm lâm còn tích cực tham gia quản lý, chỉ đạo thực hiện nhiều dự án quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển kinh tế xã hội ở miền núi trước đây như: PAM 2780, 4126, 4304, chương trình 327, Dự án lâm nghiệp EU, Dự án bảo vệ rừng và lưu vực sông ĐANIDA, Chương trình 661, 135, trồng rừng Việt Đức... và các đề án, dự án, chương trình đang tiếp diễn hiện nay như: Đề án giao rừng gắn với giao đất, cấp GCN-QSDĐ lâm nghiệp; Đề án cho thuê rừng, môi trường rừng; Kế hoạch xây dựng khung giá rừng; Dự án quản lý rừng bền vững VFBC; dự án hiện Đại hóa ngành lâm nghiệp nâng cao khả năng tính chống chịu vùng ven biển. Giai đoạn hiện nay đang triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2020 – 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022; Thực hiện Chỉ thị 10/CT-TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu rừng trồng thâm canh, chất lượng cao gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững và công nghiệp chế biến giai đoạn 2021-2025. Các dự án, đề án đã không ngừng tạo ra nguồn lực quan trọng không ngừng phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và đất rừng, bảo vệ kho tài nguyên của đất nước.
Với vai trò là cơ quan tham mưu chuyên trách về phòng cháy, chữa cháy rừng, hằng năm, Kiểm lâm Nghệ An đã tham mưu cho UBND các cấp xây dựng và tổ chức thực hiện phương án PCCCR các cấp và chủ rừng; xây dựng dự án nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy rừng cho lực lượng Kiểm lâm nhằm tăng cường xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công tác phòng cháy, chữa cháy rừng như hệ thống đường băng cản lửa, thu dọn vật liệu dưới tán rừng, hệ thống biển cảnh báo cháy rừng; các chòi canh lửa; trạm bảo vệ rừng, hệ thống bể chứa nước trên cao chưa cháy rừng; Trang bị phương tiện kỹ thuật PCCCR như: Phương tiện ô tô chuyên dụng, máy thổi gió, máy cưa xăng, máy cắt thực bì; diễn tập, tập huấn, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong phòng cháy, chữa cháy rừng. Chỉ đạo các địa phương, chủ rừng tổ chức lực lượng, triển khai phương án, xây dựng các công trình PCCCR trên diện tích rừng quản lý, điều động lực lượng hỗ trợ, ứng cứu khi có cháy rừng xảy ra.
Trong thực thi nhiệm vụ Kiểm lâm Nghệ An đã và đang thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến, ứng dụng chữ ký số, các bộ thủ tục hành chính theo TCVN ISO 9001:2015; chú trọng ứng dụng khoa học kỹ thuật, nghiên cứu các đề tài khoa học, để hiệu quả công việc tốt hơn. Như nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các chế phẩm sinh học Bô vê rin, BT, Ong mắt đỏ… trong phòng trừ sâu róm thông; Ứng dụng công nghệ cao GIS trong theo dõi diễn biến rừng, quản lý tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp; Đoán đọc ảnh viễn thám để xác định diện tích rừng biến động do cháy rừng; chặt phá rừng trái phép;
Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, quản lý lâm sản, Chi cục kiểm lâm đã chuyển đổi mô hình hoạt động của các Trạm kiểm tra kiểm soát lâm sản trên tuyến đường giao thông, đón chặt bắt giữ lâm sản trên các tuyến đường giao thông, thành mô hình quản lý bảo vệ rừng tại gốc, tằng cường tuần tra rừng, kiểm tra rừng, bắt giữ xử lý khi hành vi vi phạm mới hình thành ngay tại địa bàn rừng, để bảo vệ rừng khi chưa bị chặt phá. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Quân đội, chủ rừng, các ngành trong khối nội chính, chính quyền địa phương và hỗ trợ quần chúng nhân dân nên đạt hiệu quả khá cao. Trong 50 năm qua, Kiểm lâm Nghệ An đã phát hiện và xử lý hơn 173.500 vụ vi phạm lâm luật, đề nghị khởi tố hình sự hơn 500 vụ, với hàng trăm bị can; tịch thu hơn 140.000 m3 gỗ các loại, hàng ngàn tấn lâm đặc sản các loại, nộp ngân sách tỉnh hơn 760 tỷ đồng.
Cùng với đó là, tăng cường giao lưu, tham quan học tập, ký kết hợp đồng trao đổi thông tin, kiến thức, kinh nghiệm; phối hợp nghiên cứu khoa học, đào tạo cán bộ, kỹ thuật viên với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, đối tác trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu đổi mới, xu thế mở cửa hội nhập của đất nước.
Đặc biệt, sau hơn 30 năm thực hiện công ước Cites về bảo vệ động vật hoang dã, Kiểm lâm Nghệ An đã thu giữ hơn 125 tấn động vật rừng các loại, nuôi dưỡng, thả về rừng nhiều cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm.

Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng luôn được đặt lên hàng đầu, là nhiệm vụ cấp bách được Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm và chỉ đạo sâu sát. Năm 2017, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 2017 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với đó là nhiều văn bản chỉ đạo của nhà nước, các cấp các ngành. Từ đó đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã giảm đáng kể số vụ vị vi phạm, số liệu sau năm năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW cho thấy: Từ 2017-2022 so với từ 2011-2016, số vụ vi phạm giảm từ 6.196 vụ xuống còn 4.144 vụ- bình quân mỗi năm giảm 33,12%, lâm sản tịch thu giảm từ 13.240 m3 gỗ xuống còn 5.386 m3 gỗ- bình quân mỗi năm giảm 59,32%. Rất nhiều tụ điểm, điểm nóng về chặt phá, khai thác rừng, mua bán, tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép bị tấn công triệt phá, xoá bỏ hoàn toàn. Nhiều băng nhóm lâm tặc, đối tượng cộm cán về vi phạm lâm luật bị bắt giữ và đưa ra truy tố, xét xử nghiêm minh trước pháp luật. Góp phần lập lại trật tự quản lý bảo vệ rừng, quản lý lâm sản và phát triển rừng, ổn định trật tự an ninh xã hội của tỉnh.
Trong cuộc chiến đầy cam go, gian khổ, khó khăn và phức tạp chống lại lâm tặc để giữ vững tài nguyên rừng cán bộ, công chức Kiểm lâm Nghệ An không những đã phải đổ rất nhiều mồ hôi, sức lực mà còn cả máu. Hai chiến sỹ kiểm lâm Nghệ An đã hy sinh, 19 cán bộ, chiến sỹ khác đã phải mang thương tật suốt đời và hưởng chế độ như thương binh do kiên quyết đấu tranh chống lại hành vi phá hoại rừng của lâm tặc.
Tích cực bảo vệ và xây dựng Đảng, các tổ chức cơ sở Đảng của lực lượng Kiểm lâm luôn được cấp ủy cấp trên xếp loại trong sạch vững mạnh và vững mạnh tiêu biểu. Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội thuộc lực lượng ngày càng vững mạnh về mọi mặt, tham gia sôi nổi các hoạt động phong trào văn nghệ, thể thao, xây dựng nếp sống văn hoá, tăng gia sản xuất nâng cao đời sống, tích cực tham gia đóng góp các nguồn quỹ tương thân, tương ái, nhận đỡ đầu giúp xã nghèo Mường Típ (Kỳ Sơn).
Công lao và thành tích trong tổ chức xây dựng lực lượng và thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng của Kiểm lâm Nghệ An đã được đánh giá cao và ghi nhận bằng việc: hàng trăm lượt đơn vị tập thể, cán bộ và chiến sỹ được tặng cờ thưởng luân lưu, bằng khen từ cấp tỉnh đến Chính phủ, danh hiệu chiến sỹ thi đua, huy hiệu “Vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.
Năm 1998 Nhà nước đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba, năm 2005 tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì cho cán bộ chiến sỹ Kiểm lâm Nghệ An về những thành tích xuất sắc trong công tác và xây dựng lực lượng. Năm đơn vị cơ sở và 6 cán bộ thuộc lực lượng Kiểm lâm Nghệ An được tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba; 16 đơn vị được công nhận là Đơn vị đạt chuẩn văn hóa xuất sắc. Năm 2020, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng Bằng khen do có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.
Hiện nay, khi đất nước đang trong quá trình hội nhập sâu rộng và mạnh mẽ, cùng với những thời cơ và thuận lợi, mặt trái và khuyết tật của cơ chế thị trường, những thách thức của quá trình hội nhập đã và đang len lỏi, tác động đến từng mảnh rừng, từng con khe, ngọn suối, từng tổ, trạm và mỗi kiểm lâm viên. Vì vậy, chặng đường phía trước của công cuộc bảo vệ rừng chắc chắn còn rất nhiều gập ghềnh, chông gai và không kém phần khó khăn, phức tạp. Nó đòi hỏi cán bộ, công chức Kiểm lâm Nghệ An phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, cố gắng cao hơn nữa cả về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống và năng lực chuyên môn nghiệp vụ, vững vàng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ, phát triển rừng trong thời kỳ đổi mới của đất nước.
Trên đà thắng lợi với những kết quả và thành tích đạt được trong 50 năm qua, cùng những bài học kinh nghiệm đã rút ra cán bộ, công chức Kiểm lâm Nghệ An quyết tâm tiếp tục giữ vững mối đoàn kết, đồng lòng xây dựng lực lượng thành một tập thể trong sạch, vững mạnh vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin “Những chiến sỹ gác kho vàng xanh trên quê hương Bác Hồ vĩ đại”./.
Nguồn tin: Bạch Quốc Dũng – Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Nghệ An