image banner
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An
Lượt xem: 156

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lao động ngành Nông nghiệp tại Nghệ An đang thiếu khá nhiều kỹ năng về quản lý, quản trị, kết nối trong sản xuất và tiêu thụ, tính tuân thủ quy trình sản xuất đang đặt ra nhiều thách thức với ngành nông nghiệp nói chung và ngành lâm nghiệp nói riêng. Điều này dẫn tới giá trị của các mặt hàng tương đối thấp, chất lượng chưa cao, gây khó khăn trong việc tiêu thụ, càng khó mở rộng thị trường ra nước ngoài. Việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao để phát triển bền vững nền nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển ngành lâm nghiệp tại tỉnh Nghệ An là yêu cầu cấp bách và thách thức lớn của nông nghiệp, nông thôn Nghệ An. Để từ đó ngành Lâm nghiệp có thể tự đứng vững trên chính đôi chân của mình.

1. Những vấn đề nổi bật

Nằm ở trung tâm Bắc Trung Bộ, Nghệ An hiện có khoảng 1 triệu ha rừng (rừng tự nhiên 789.000ha; rừng trồng 211.000ha), độ che phủ rừng đạt 58,41%, trữ lượng gỗ khoảng 91 triệu m3, sản lượng gỗ khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,4 triệu m3, chưa kể hàng ngàn tấn dược liệu, lâm sản ngoài gỗ khác… Xuất phát từ tình hình thực tiễn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 thành lập Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung bộ tại Nghệ An, điều đó cho thấy lĩnh vực lâm nghiệp của Nghệ An được kỳ vọng lớn.

 Ngoài ra, lĩnh vực lâm nghiệp là tiền đề để bảo vệ môi trường một cách bền vững, đồng thời là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho các ngành sản xuất hàng hoá từ gỗ và các sản phẩm ngoài gỗ, từ đó mở ra cơ hội thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nghệ An nói chung và ngành kinh tế lâm nghiệp Nghệ An nói riêng.

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và tổ chức sản xuất lâm nghiệp tại Nghệ An còn bộc lộ một số mặt hạn chế, tồn tại. Đơn cử như giá trị đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của toàn ngành. Tình trạng xâm, lấn đất rừng và khai thác gỗ trái phép vẫn còn và hơn hết tình trạng chảy máu nhân lực ngành lâm nghiệp tại Nghệ An diễn ra hàng năm rất lớn, nguyên nhân một phần do chế độ tiền lương, thu nhập của viên chức, người lao động còn thấp chưa đảm bảo cuộc sống trong khi trách nhiệm, áp lực công việc lớn. Trong khi lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng hiện nay chủ yếu là lực lượng lao động hợp đồng theo diện các đơn vị chủ rừng tự trang trải kinh phí trả lương. Các chủ rừng là loại hình đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, tuy nhiên chủ yếu được giao quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng, rừng tự nhiên là rừng sản xuất nên hầu hết không cân đối được nguồn thu để đảm bảo kinh phí trả lương cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng. Hơn nữa, Chính sách bảo vệ và phát triển rừng hiện nay chưa có quy định cụ thể đảm bảo được nguồn kinh phí hoạt động cho lực lượng này.

Anh-tin-bai

Không nằm ngoài khó khăn chung của ngành Lâm nghiệp tỉnh nói chung, Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An nói riêng hiện cũng đang gặp khó khăn.

Như việc tìm kiếm công việc cho đơn vị liên tục gặp nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư vào Lâm nghiệp liên tục sụt giảm, kỹ năng nghề nghiệp đòi hỏi tay nghề cao liên tục bị sụt giảm khi một số cán bộ chủ chốt đều lần lượt nghỉ hưu sớm theo diện Nghị định về chính sách tinh giản biên chế số 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ, việc tuyển dụng cán bộ mới có khả năng đáp ứng ngay công việc gặp nhiều khó khăn do đồng lương và thu nhập của đơn vị thấp, tính chất công việc xa nhà dài ngày, công việc đi rừng nguy hiểm nhưng không được hưởng chế độ độc hại như một số ngành nghề khác …dẫn đến việc thu hút lực lượng có chất lượng gặp rất nhiều khó khăn.

Anh-tin-bai

Điều này cho thấy chất lượng nguồn nhân lực tại đơn vị còn chưa cao, số lao động giỏi trong đơn vị còn thấp, khó đảm nhiệm được ở các vị trí đòi hỏi kỹ năng nghề cao hơn. Người lao động còn thụ động, lúng túng trong công việc. Cơ sở vật chất, thiết bị hỗ trợ còn nghèo nàn, hàng năm đơn vị chỉ được hỗ trợ 03 bộ máy tính trong khi số người lao đồng của đơn vị có nhu cầu bổ sung, nâng cấp máy tính lớn, thiếu đồng bộ, nhiều lao động còn thụ động trong việc tự trau dồi, học hỏi thêm các ngành nghề bổ trợ, cũng như tiếp cận với khoa học - kỹ thuật, các ứng dụng mới để thay đổi phương thức làm việc cũ.

Bên cạnh đó, kết nối giữa kỹ năng và chất lượng việc làm thường không được quan tâm đúng mức trong ngành Lâm nghiệp. Vì vậy, Công đoàn cơ sở, có vai trò rất lớn, không chỉ trong đào tạo nghề hay phát triển kỹ năng nghề, mà ở tất cả mọi lĩnh vực đều có vai trò của 3 bên, đặc biệt là vai trò của Lãnh đạo Công đoàn cơ sở. Bởi, Lãnh đạo Công đoàn cơ sở hiểu họ cần gì, cả hiện tại và tương lai. Đồng thời, Lãnh đạo có hiểu biết về kỹ thuật và có các kinh nghiệm dẫn dắt phát triển, tạo sự đoàn kết trong nội bộ. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là việc gắn kết giữa đào tạo và thực tiễn còn hạn chế. Một bộ phận lao động được tuyển dụng vẫn phải được đào tạo lại để đáp ứng với yêu cầu của đơn vị.

2. Các giải pháp phát triển nguồn nhân lực tại Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp

Để giải những bài toán khó này, không thể làm được trong ngày một ngày hai, đòi hỏi lộ trình bài bản, định hướng phù hợp với tình hình chung. Trên cơ sở đó, Lãnh đạo Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An đặt ra mục tiêu đến năm 2030 phải phát triển được đội ngũ nguồn nhân lực tinh và mạnh, bao gồm tinh thông sẵn sàng đáp ứng việc tham mưu các quyết sách, nghị quyết, chiến lược hoạt động hàng năm của đơn vị cho Ban lãnh đạo phù hợp với các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, có khả năng sử dụng tốt các ứng dụng quản lý và phát triển rừng, khả năng đáp ứng các đòi hỏi cao về đa dạng trong nghề lâm nghiệp, và mạnh về lực lượng, ý chí phát triển đơn vị và cá nhân từ đó để tìm các hướng đào tạo nâng cao, bồi dưỡng cho người lao động.

Anh-tin-bai

Cùng với đó, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về “ Tiến độ - Chất lượng - Hiệu quả” của các công trình lâm sinh, Phương án phát triển lâm nghiệp, đo đạc địa chính và quan trọng nhất là tìm kiếm đủ việc làm, nâng cao thu thập cho người lao động… Chi ủy, Ban lãnh đạo Đoàn đã chỉ đạo các Phòng, Đội tích cực thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng lao động và thiết bị chuyên dụng, cụ thể:

Một là, đào tạo và nâng cao tay nghề của CBVC và người lao động thông qua các lớp tập huấn chuyên môn như chuyên ngành tư vấn giám sát các công trình lâm sinh, thi công các công trình lâm sinh, lưu trữ tài liệu…

Hai là, đưa vào Nghị quyết hàng năm việc mua sắm trang bị đầy đủ các thiết bị (máy tính để bàn, laptop, máy tính bảng  để sử dụng các phần mềm có bản quyền như Mapinfor, Micro station, Q.gis, Vtools Survey…) cho cán bộ và người lao động của đơn vị để kịp ứng dụng có hiệu quả trong các nhiệm vụ: Giao rừng gắn giao đất lâm nghiệp, lập hồ sơ thiết kế các công trình lâm sinh, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp…

Ba là, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 03/12/1013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ “về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp”, đồng thời có chế độ thưởng – phạt kịp thời, nhằm động viên và khuyến kích người lao động nâng cao ý thức kỷ luật lao động, chủ động thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng việc đào tạo nâng cao nghiệp vụ điều tra quy hoạch thiết kế lâm nghiệp cho người lao động, đặc biệt là đối với lao động trẻ thì cần được cọ sát, kiểm tra thực tế để kịp thời chấn chỉnh các thiếu sót trong quá trình lao động, cũng như đề xuất các chế độ, chính sách chưa phù hợp trong quá trình tổ chức thực hiện.

Từ những mục tiêu và giải pháp đó, trong 7 tháng đầu năm 2023, kết quả đạt được tại Đoàn đã từng bước khẳng định được sự chỉ đạo của Chi ủy, Ban Lãnh đạo đoàn là đúng đắn và kịp thời:

- Hoàn thành Báo cáo điều chỉnh quỹ đất lâm nghiệp và 3 loại rừng tỉnh Nghệ An, trình Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Hoàn thành các nhiệm vụ đột xuất của Sở giao như: Kiểm tra hiện trạng rừng khu vực thực hiện các dự án đầu tư ở huyện Quỳ Hợp, Con Cuông, hiện trạng rừng một số địa điểm bị chặt phá trái phép, vùng tranh chấp…

- Triển khai công tác ngoại nghiệp các nhiệm vụ sự nghiệp thường xuyên, sự nghiệp điều tra quy hoạch lâm nghiệp năm 2023 đúng tiến độ đề ra.

- Hoàn thành Hồ sơ thiết kế, lập hồ sơ bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, cá nhân cộng đồng dân cư các xã miền núi khu vực II, III thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Quế Phong, Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn.

- Hoàn thiện và bàn giao hồ sơ địa chính công trình giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình cộng đồng dân cư trên địa bàn các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn Thái Hòa, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn…

Bên cạnh đó, Đoàn Điều tra Quy hoạch Lâm nghiệp rất mong muốn các cấp, các ngành sẽ tiếp tục ủng hộ, hỗ trợ đơn vị thực hiện các nhiệm vụ đã được giao trong thời gian tới, để từng bước khẳng định đây là một đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện chức năng tham mưu về công tác điều tra tài nguyên rừng, quy hoạch phát triển lâm nghiệp và các lĩnh vực liên quan đến lâm nghiệp hàng đầu của Tỉnh.

Hùng Tú – Quốc Hưng - ĐTQHLN

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement