Một số thành quả chương trình, dự án hợp tác quốc tế do Chi cục Kiểm lâm Nghệ An thực hiện trên địa bàn tỉnh
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có quyền vinh dự và tự hào về những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà, đưa độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 58,36% (năm 2022), góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử, nhân dân cả nước phấn khởi tổ chức kỷ niệm 69 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2023) và 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023)... thì cán bộ, chiến sỹ lực lượng Kiểm lâm Nghệ An hăng hái thi đua lập thành tích kỷ niệm 50 năm ngày thành lập Kiểm lâm Việt Nam (21/5/1973 – 21/5/2023), ngày đánh dấu sự xây dựng, trưởng thành và phát triển vững mạnh của ngành Kiểm lâm.
Nhìn lại chặng đường 50 năm qua, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An có quyền vinh dự và tự hào về những thành tích đạt được trong quá trình xây dựng, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nhà, đưa độ che phủ của rừng toàn tỉnh đạt 58,36% (năm 2022), góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đóng góp vào thành tựu chung sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh có sự hỗ trợ rất quý báu, có trách nhiệm, hiệu quả của các tổ chức quốc tế và cộng đồng các nước trên thế giới (Quỹ Môi trường toàn cầu - Chương trình phát triển liên hiệp quốc – GEF/UNDP, Tổ chức Nông lương liên hiệp quốc – FAO, Ngân hàng thế giới – WB, Cộng đồng chung Châu Âu - EU, Cộng hòa Liên bang Đức - KFW, Vương quốc Đan Mạch – DANIDA, Liên bang Hoa Kỳ - USAID, Vương quốc Hà Lan - SNV...) vì một thế giới phát triển xanh, thân thiện với môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng người dân các quốc gia trên thế giới.
Chi cục Kiểm lâm Nghệ An là một trong những tỉnh tiên phong trong việc đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án quốc tế trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Trong đó phải kể đến một số chương trình, dự án sau:
Các chương trình, dự án trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, hồi sinh những vùng đất chết
Theo tiến trình phát triển của đời sống người Việt, từ xa xưa, ông cha ta thường nói “Rừng vàng, biển bạc”. Nói đến rừng người ta thường chỉ nghĩ đến giá trị của rừng là một kho gỗ quý thiên nhiên bao la, rộng lớn tưởng như bất tận (lim, đinh, sến, táu ...) và nguồn thực phẩm và sản phẩm có giá trị từ các loài động rừng mang lại (Ngà voi, mật gấu, cao hổ cốt...)
Trong quá trình kiến thiết và xây dựng đất nước, dưới áp lực của phát triển kinh tế - xã hội, tài nguyên rừng Việt Nam nói chung và ở Nghệ An nói riêng bị khai thác quá mức, tình trạng chặt phá, khai thác rừng bừa bãi, thiếu kiểm soát dẫn đến tài nguyên rừng bị suy thoái nghiêm trọng, diện tích rừng bị suy giảm, chất lượng rừng bị giảm sút, nhiều khu rừng tự nhiên bị mất, thay vào đó là những khu đất trống, đồi núi trọc kéo dài từ các huyện đồng bằng ven biển Nghi Lộc (Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Thiết, Nghi Lâm, Nghi Văn ... ), Diễn Châu (Diễn Trung, Diễn Thắng, Diễn Lợi, Diễn Phú, Diễn Yên, Diễn Đoài...) Quỳnh Lưu (Quỳnh Tân, Tiến Thủy, Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lập, Quỳnh Lộc, Ngọc Sơn...) đến các huyện trung du núi thấp như Yên Thành (Vĩnh Thành, Sơn Thành, Tân Thành...), Thanh Chương (Thanh Lâm, Ngọc Sơn, Thanh Mai...), Đô Lương (Xuân Sơn, Thượng Sơn...)...
Rừng tích trữ nguồn nước sạch tưới tiêu cho đồng ruộng
Vào mùa nắng nóng, gió Lào thổi ràn rạt qua những đồi cây bụi, trảng cỏ cháy vàng au, trơ cằn sỏi đá nhấp nhô cả một vùng rộng lớn. Vào mùa mưa do không còn độ che phủ của tán rừng, các đồi núi bị xói mòn rửa trôi, vùi lấp cả đồng ruộng, hoa màu. Vào thập niên 70 – 80 của thế kỷ 20, những ai đi qua đường Quốc Lộ 1A, đoạn qua xã Nghi Yên (Nghi Lộc), Diễn Trung (Diễn Châu) thì thấy rõ cảnh tượng vào mùa mưa, đồi núi bị xói mòn thành rãnh lớn, kéo theo hàng trăm khối đất đá xuống vùi lấp cả đường Quốc lộ 1A, nhà nước đã phải huy động hàng chục phương tiện, máy móc để xúc, san ủi trả lại mặt bằng lưu thông tuyến giao thông huyết mạch duy nhất của cả nước lúc bấy giờ. Thấy được tầm quan trọng của rừng, còn rừng thì còn đất, còn nước, giữ được môi sinh, phòng hộ bảo vệ môi trường. Với sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương liên hiệp quốc (FAO), Chi cục Kiểm lâm Nghệ An triển khai chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, tổ chức chỉ đạo quyết liệt trồng lại rừng (Đó là chương trình dự án PAM 2780, 4126, 4304... ). Hàng ngàn tấn lương thực được cung cấp cho các hộ dân để tham gia trồng rừng, những vùng đồi trọc dần dần được thay bằng những thảm cây xanh ngút ngàn (Thông nhựa, Keo lá chàm, keo tai tượng...). Những mầm sống trỗi dậy đã trở lại ở vùng quê ó khí hậu khắc nghiệt của Miền Trung. Trãi qua hàng chục năm gây dựng và phát triển, thảm thực vật rừng được hình thành, đất đai được bổ sung thêm dinh dưỡng, gần 30.000 ha rừng thông trồng thuần loài, rừng hỗn giao thông + keo đã làm hồi sinh lại vùng đất chết tưởng như không có cây gì có thể sinh trưởng và phát triển được. Đây là thành quả tuyệt vời, khi chúng ta đi dưới tán rừng có thể nghe như bản nhạc du dương, vi vút của tán rừng, cảm thấy cuộc sống chúng ta thật thanh bình, trong lành và mát mẽ. Cũng nhờ thành quả này mà các công nhân các lâm trường (Công ty lâm nghiệp, Ban quản lý rừng phòng hộ) và các hộ gia đình sống gần rừng vừa bảo vệ, vừa khai thác nhựa thông để xuất khẩu sang các nước, thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế gia đình của hàng chục ngàn công nhân, nông dân sản xuất lâm nghiệp.
Các chương trình, dự án về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước với 1.160.424,4 ha, trong đó có 172.361,7 ha rừng đặc dụng, 365.414,2 ha rừng phòng hộ và 622.466,5 ha rừng sản xuất.
Tài nguyên rừng của Nghệ An đa dạng và phong phú bậc nhất của khu vực miền bắc và của cả nước. Thấy được ý nghĩa tầm quan trọng đặc biệt việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và sinh cảnh của các khu rừng nguyên sinh. Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất với Chính phủ đưa 3 khu rừng đặc dụng (Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt) vào danh mục các khu rừng cấm quốc gia. Ngày 9/8/1986 Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng đã ban hành Quyết định số 194/CT xác lập danh mục 73 Khu rừng cấm trên toàn quốc với tổng diện tích là 769.512 ha, trong đó có 3 khu rừng Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt của tỉnh Nghệ An. Đây là cơ sở pháp lý để thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN), vườn quốc gia sau này.
Tuy nhiên, để có nguồn lực thực thi việc bảo vệ tài nguyên những khu rừng đặc dụng quý giá này. Năm 1993, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp với Viện Điều tra, Quy hoạch rừng tổ chức điều tra, khảo sát lập luận chứng kinh tế kỹ thuật xây dựng Khu BTTN Pù Mát. Để thu hút nguồn vốn đầu tư vào dự án, Chi cục Kiểm lâm đã tích cực vận động các bộ, ban ngành trung ương và các tổ chức quốc tế. Dự án này được Liên hiệp Châu Âu (EU) tài trợ không hoàn lại với số tiền 17,5 triệu ECU, cộng với vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Ngày 21/11/1996, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Dự án Lâm nghiệp xã hội và Bảo tồn thiên nhiên khu Pù Mát, tỉnh Nghệ An, do EU tài trợ triển khai từ năm 1996 – 2001. Ngày 21/5/1997, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2150/QĐ-UB về việc thành lập Khu BTTN Pù Mát, thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm tỉnh Nghệ An. Đây có thể nói là Dự án lâm nghiệp xã hội và bảo tồn thiên nhiên lớn nhất cả nước lúc bấy giờ, trong khi nguồn lực trong nước còn hạn chế. Dự án được thực hiện trên địa bàn 3 huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương. Dự án tập trung vào việc phát triển nông lâm nghiệp trên cơ sở hỗ trợ phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa; dịch vụ phổ cập khuyến nông, khuyến lâm; cải tạo nâng cấp đường giao thông chủ yếu đường tự huyện đến xã, cụm xã; kế hoạch hóa gia đình; tái định cư các bản của đồng bào dân tộc Đan Lai; tổ chức quản lý, bảo vệ và xây dựng khu bảo tồn; hỗ trợ các lâm trường quốc doanh chuyển đổi sang cơ chế quản lý mới; nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo của cán bộ cấp huyện, xã, thôn bản, đồng thời đóng góp vào cải tiến chính sách, tổ chức và pháp luật về lâm nghiệp từ đó giảm áp lực vào tài nguyên rừng, đặc biệt là khu rừng đặc dụng Pù Mát. Hôm nay, Vườn quốc gia Pù Mát với diện tích 93.524 ha, có nguồn gen đa dạng sinh học rất phong phú. Về thực vật đã ghi nhận 2.494 loài thực vật, trong đó có nhiều loài cây quý hiếm (Pơ Mu, Giáng hương, Đinh hương...). Về động vật đã ghi nhận 2.210 loài, trong đó có nhiều loài động vật quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam và Thế giới (Voi, Hổ, Báo Hoa mai, Báo gấm, Bò tót…).
Bên cạnh Khu rừng đặc dụng Pù Mát, năm 1995, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã phối hợp với Viện Điều ra, Quy hoạch rừng tiến hành khảo sát, điều tra rừng đặc dụng Pù Huống và lập luận chứng kỹ thuật đầu tư dự án thành lập Khu BTTN Pù Huống. Ngày 23/10/1996 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 4296/QĐ-UB ngày phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 1996 – 2000. Tuy nhiên, do ngân sách địa phương gặp nhiều khó khăn, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục vận động và được sự hỗ trợ các bộ, ngành Trung ương. Vương quốc Đan Mạch (DANIDA) tài trợ dự án “Bảo vệ rừng và quản lý lưu vực sông tỉnh Nghệ An” với số tiền 2 triệu USD. Dự án triển khai từ năm 2002 – 2005, thực hiện tại 9 xã của 3 huyện Quỳ Hợp (Châu Thành, Châu Thái, Châu Cường), Quỳ Châu (Châu Hoàn, Châu Phong, Diên Lãm), Quế Phong (Châu Thôn, Cắm Muộn, Quang Phong) thuộc vùng đệm của Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống nhằm mục đích cải thiện sinh kế của người dân, thiết lập quỹ tín dụng tiết kiệm, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp chính quyền, hội phụ nữ và năng lực quản lý của cán bộ Khu BTTN Pù Huống. Ngày 25/01/2002, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 242/QĐ-UB thành lập Ban Quản lý Khu BTTN Pù Huống với diện tích 40.186,5 ha. Hiện nay, Ban quản lý Khu BTTN Pù Huống đang quản lý diện tích 46.468,66 ha (sáp nhập Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳ Hợp vào Khu BTTN Pù Huống). Tại khu rừng đặc dụng này đã ghi nhận 1.806 loài thực vật, có nhiều loài quý hiếm (Sến, táu mật...) và 564 loài động vật, có nhiều loài quý hiếm (Vượn đen má trắng, Sao la...), chưa kể hàng ngàn loài côn trùng chưa được nghiên cứu.
Cùng với 2 khu rừng đặc dụng trên, năm 1997, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiếp tục phối hợp với Viện điều tra, quy hoạch rừng tiến hành khảo sát, điều tra và nghiên cứu dự án khả thi đầu tư xây dựng Khu BTTN Pù Hoạt. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan khác nhau, mãi đến ngày 02/4/2013 UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 1109/QĐ-UBND chuyển đổi Ban quản lý rừng phòng hộ Quế Phong thành Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với diện tích 90.741,10 ha, trong đó có cả rừng đặc dụng và rừng phòng hộ. Đến nay rừng đặc dụng Pù Hoạt đã ghi nhận 2.425 loài thực vật, trong đó có nhiều cây quý hiếm (Samu dầu, Lát hoa...) và 713 loài động vật, nhiều loài quý hiếm (Gấu ngựa, Gấu chó, Mang Pù Hoạt, Beo lửa...).
Thấy được giá trị của các khu rừng đặc dụng ở Nghệ An, trọng tâm là vùng lõi là Pù Mát, Pù Huống, Pù Hoạt, nơi lưu giữ các nguồn gen quý hiếm, đa dạng và phong phú và vùng sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số (Thái, Ơ đu, Đan Lai, Khơ Mú...) có nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống vô cùng đặc sắc của Miền Tây xứ Nghệ. Ngày 18/9/2007 Ủy ban Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận Khu dữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An với diện tích 1.303.278 ha, thuộc 9 huyện Tây Nghệ An (Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Tân Kỳ, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp). Đây khu dự trữ sinh quyển lớn nhất Đông Nam Á, trong đó lấy Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt làm vùng lõi kết nối thanh hành lang xanh, môi trường sống và sinh cảnh liên tục để duy trì hiệu quả bảo tồn đa dạng sinh học. Đây cũng là tiền đề, lợi thế và tiềm năng để thu hút các chương trình, dự án quốc tế trong tương lại.
Các chương trình, dự án về Phòng cháy, chữa cháy rừng và Phòng trừ sâu bệnh hại rừng.
Nghệ An là tỉnh có nhiều diện tích rừng trồng (Thông, keo, phi lao...), đặc điểm của rừng trồng là ít tầng tán, khả năng đất, giữ nước kém hơn so với rừng tự nhiên, nhất là rừng trồng thuần loài, đồng tuổi. Một trong những nhược điểm của rừng thuần loài đồng tuổi là thường xảy ra cháy rừng và dịch hại tấn công. Năm 1982, được sự hỗ trợ của Tổ chức Nông lương thế giới (FAO) đã tài trợ dự án, hỗ trợ kỹ thuật cho Chi cục Kiểm lâm Nghệ An tiến hành nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào công tác bảo vệ rừng: phòng cháy chữa cháy rừng và phòng trừ sâu bệnh hại rừng. Chi cục Kiểm lâm đã tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Trung tâm bảo vệ tài nguyên và Môi trường rừng (Trung tâm) để tiếp nhận dự án để triển khai dự án trên.
Phòng trừ sâu bằng Bôvêrin
Về lịch sử sâu bệnh hại rừng tại Nghệ An, đó là vào năm 1959, 1960, dịch sâu róm thông đã xảy ra ở Cầu Cấm (Nghi Lộc), Hoàng Mai và năm 1976 tại Đại Huệ (Nam Đàn). Nhà nước đã dùng máy bay để phun 130 tấn thuốc 666 để dập dịch, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm cho sâu nhờn thuốc, mất cân bằng sinh thái, diễn biến dịch hại phức tạp và xảy ra thường xuyên, không tuân theo quy luật tự nhiên. Với sự nổ lực của các cán bộ khoa học kỹ thuật và sự hỗ trợ của máy móc, phương tiện, thiết bị. Trung tâm đã nghiên cứu, ứng dụng sản xuất thành công chế phẩm Bôvêrin (Beauveria Bassiana) để phòng trừ sâu róm thông. Sản phẩm này được các lâm trường, UBND các xã trong tỉnh sử dụng phòng trừ sâu róm thông rất có hiệu quả, đẩy lùi sự tấn công của dịch sâu róm thông. Bên cạnh đó, Trung tâm còn sử dụng hàng chục bóng đèn cực tím để dẫn dụ sâu trưởng thành sâu róm thông, mỗi đêm thu được hàng chục kg sâu trưởng thành góp phần ngăn chặn, sự phát sinh, bùng phát của dịch hại.
Về phòng cháy, chữa cháy rừng: Dự án đã hỗ trợ nghiên cứu vật liệu cháy dưới tán rừng trồng, từ đó đưa ra biện pháp phòng cháy rất có hiệu quả đó là thu dọn vật liệu cháy dưới tán rừng, thu dọn vật liệu cháy làm đường băng cản lửa, đốt trước vật liệu cháy nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra. Trung tâm cũng áp dụng phương pháp dự báo cháy rừng (Phương pháp Nesterop).
n
(Công thức tính: Pi = k ∑ to13 dn13, Trong đó:
i+1
Pi là chỉ tiêu tổng hợp cháy rừng ngày nào đó; k là hệ số điều chỉnh theo lượng mưa ngày, có 2 giá trị: k=0, khi lượng mưa ≥ 5mm; k=1 khi lượng mưa < 5mm; to13 là nhiệt độ không khí tại thời điểm 13 giờ; d là độ chênh lệch bão hòa không khí tại thời điểm 13 giờ).
Nghệ An là tỉnh duy nhất trong cả nước dự tính, dự báo được cấp cháy rừng để cung cấp thông tin cấp dự báo, cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng (Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Đài PTTH các huyện) để các cấp chính quyền chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng.
Những dự án hợp tác quốc tế trên đã giúp tỉnh Nghệ An phục hồi lại những cánh rừng xanh, bảo tồn giá trị đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường thiên nhiên, phòng hộ bảo vệ môi trường, giảm phát thải nhà kính, tích trữ và nuôi dưỡng nguồn nước sạch... góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Du khách quốc tế đến với rừng Nghệ An
Giao lưu văn hóa của du khách quốc tế với đồng bào dân tộc thiểu số
Có được những thành quả trên là nhờ sự nổ lực phấn đấu kiên trì, bền bỉ, không ngừng nghỉ của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sỹ lực lượng kiểm lâm tỉnh nhà, cộng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ngành, các cấp từ trung ương, tỉnh, huyện đến cơ sở, sự hưởng ứng, tham gia tích cực của cộng đồng người dân và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong đó có vai trò quan trọng của các đồng chí nguyên là lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An qua các thời kỳ. Trong đó phải kể đến đồng chí Nguyễn Đình Võ, nguyên Phó Giám đốc Sở Lâm nghiệp kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm, đồng chí Chu Văn Dũng - nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm... đã rất tâm huyết với ngành, với nghề, vì màu xanh của rừng yêu thương, vì sự nghiệp quản lý, bảo vệ rừng và đã có nhiều công lao trong việc thu hút các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về với Nghệ An./.
Phan Quang Tiến - Phòng Tổ chức cán bộ Sở