image banner
Sâu róm hại rừng thông và biện pháp phòng trừ
Lượt xem: 1519
Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 15/8/2024, trên địa bàn một số huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Đô lương, Diễn Châu… có 1.579,64 ha rừng thông bị nhiễm sâu róm thông (Dendrolimus punctatus)

Hiện nay, Nghệ An có khoảng 171.421 ha  rừng trồng các loài cây như keo, bạch đàn, mét, quế… trong đó có gần hơn 16.170 ha rừng cây thông nhựa (Pinus merkusii) thuần loài và hỗn giao. Rừng thông Nghệ An có tác dụng to lớn trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái cho cả khu vực các huyện đồng bằng, trung du núi thấp (Quỳnh Lưu, Đô Lương, Yên Thành, Thanh Chương, Diễn Châu, Nam Đàn, Nghi Lộc…). Ngoài ra, hàng năm rừng thông nhựa còn cung cấp hàng ngàn tấn nhựa thông phục vụ cho xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn công nhân lao động và người dân sống ở gần rừng. Tuy nhiên, một vấn đề đối với rừng thông là có nhiều loại dịch hại tấn công như sâu róm hại thông, ong ăn lá thông, bệnh khô xám lá thông… trong đó sâu róm hại thông (sâu róm thông) là loài nguy hiểm nhất.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, tính đến ngày 15/8/2024, trên địa bàn một số huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Đô lương, Diễn Châu… có 1.579,64 ha rừng thông bị nhiễm sâu róm thông (Dendrolimus punctatus) mức độ nhiễm sâu từ nhẹ đến trung bình, riêng tại địa bàn rừng thông một số xã Nghi Yên, Nghi Xá, Nghi Tiến, Nghi Quang của huyện Nghi Lộc hiện có 750 ha rừng bị nhiễm sâu với mật độ từ 150 - 400 con/cây, mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình, một số khu rừng bị sâu róm thông bị gây hại nặng, chúng ăn xơ xác gây trụi hết tán lá, nhìn từ xa tưởng như rừng thông bị cháy do hỏa hoạn, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây thông, làm xấu cảnh quan môi trường, làm giảm chất lượng, sản lượng nhựa thông, ảnh hưởng đến đời sống sản xuất của người dân.

Anh-tin-bai

Ảnh 1: Rừng thông tại đồi 200, khoản 1, tiểu khu 960 thuộc xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc bị sâu róm thông gây hại nặng ăn trụi hết tán lá (giống như rừng bị thông bị cháy)

Tại Nghệ An, sâu róm thông thường có từ 4 - 5 lứa/năm, trước đây theo quy luật tự nhiên thì dịch sâu róm thông thường 8 -10 vòng đời (lứa sâu) sẽ xuất hiện một đợt dịch. Tuy nhiên, trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu, cộng với một số chủ rừng tổ chức phòng trừ còn hạn chế, một số nơi sử dụng thuốc hóa học để phòng trừ gây phá vỡ cân bằng sinh thái, làm cho dịch sâu róm thông biến đổi bất thường.

Anh-tin-bai

Ảnh 2. Sâu róm thông đang ăn lá thông

Để chủ động phòng trừ sâu róm thông có hiệu quả, vấn đặt ra trước tiên phải là công tác điều tra, dự tính, dự báo phải kịp thời, chính xác. Có nhiều phương pháp điều tra để dự tính, dự báo như thiết lập hệ thống các ô tiêu chuẩn định vị, điều tra ngẫu nhiên, điều tra thực địa đo đếm số lượng sâu róm thông trên một cây, điều tra bằng ô hứng phân, điều ra bằng bẫy đèn, điều tra các ổ trứng sâu…

Một vấn đề thực tiễn đặt ra là trong một khu rừng thông, thường có các vùng tiểu khí hậu khác nhau, một số vùng có tiểu khí hậu rất thuận lợi cho sâu róm thông phát sinh, phát triển mạnh, những điểm này thường phát sinh các ổ dịch hại (ổ sinh thái) rồi từ đó nhân rộng, phát tán dần lan ra các khu vực khác. Tại Nghệ An, một số khu rừng thông ổ dịch thường phát sinh ở những khu vực có địa hình núi cao, khuất gió, hướng phơi địa hình thường nằm hướng Nam hoặc Đông Nam. Vì vậy, trong công tác điều tra phải nắm chắc các ổ sinh thái hay phát sinh dịch hại này để phát hiện sớm, xử lý, khoanh vùng bao vây, tổ chức phòng trừ các ổ dịch trước khi chúng lây lan, phát sinh dịch hại trên diện rộng.

Anh-tin-bai

Ảnh 3. Phân của sâu róm thông

Trong công tác phòng trừ sâu róm thông, thường sử dụng các biện pháp tổng hợp để phòng trừ, có thể phòng trừ bằng sinh học, vật lý, hóa học, thủ công… trong mỗi phương pháp đều có ưu và nhược điểm. Tuy nhiên, theo xu thế phát triển của các quốc gia trên thế giới là sử dụng phương pháp sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại nói chung và râu róm thông nói riêng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ hệ sinh thái. Ngày nay nhiều chế phẩm sinh học phòng trừ sâu róm thông rất có hiệu quả như Bôvêrin (Beauveria bassianan), VT (Bacillus thuringiensis), VBTusa, Delfin 32WG, Bitadin WP…

Anh-tin-bai

Ảnh 4. Sâu róm thông vào kén làm tổ

Thời gian trước đây, tại các khu rừng thông trong tỉnh, định kỳ hàng năm các chủ rừng sử dụng chế phẩm Bôvêrin để phun phòng trên một diện tích nhất định, khi mật độ sâu hại thấp dưới 75 con/cây. Vì vậy đã ngăn chặn được sự phát sinh, phát triển của sâu róm thông gây hại trên diện rộng, giúp cân bằng sinh thái, tạo điều kiện cho các loài thiên địch của sâu róm thông phát triển (ong mắt đỏ, ong tấm đen, ruồi ba vạch, bọ ngựa…). Ngoài ra Bôvêrin còn tiêu diệt bọ xít dài hại lúa thường trú ẩn trên rừng thông. Do địa hình rừng thông khá phức tạp, núi cao, độ dốc lớn, nhiều khe rãnh chia cắt, cộng với tán rừng thông cao, thảm thực vật, cây bụi dưới tán rừng dày, việc đi lại khó khăn nên phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tồn tại hạn chế trong phòng trừ, các chủ rừng chủ yếu sử dụng phun thuốc bằng phun bột, trộn các chế phẩm, thuốc trừ sâu sinh học với các loại bột phụ gia nhẹ, dùng máy động áp lực cao để phun thuốc đều lên tán rừng, chọn lúc sáng sớm hoặc chiều mát, lặng gió để phòng trừ. Một điểm chú ý là khi tiến hành phòng trừ thường mỗi máy phải có từ 2-3 người thay nhau và mang thuốc đi theo các điểm. Người đi phun thuốc phải tuân thủ nghiêm túc mặc đồ bảo hộ lao động (quần áo, giày tất, kính). Trước khi phun thuốc cần thông báo rộng rãi cho nhân dân biết, khi đi kiểm tra rừng sau khi phun, tuyệt đối không dùng tay hoặc chân trần dẫm lên sâu đã chết sẽ rất nguy hiểm vì độc tố của sâu có thể gây hoại tử các mô mềm. Một điểm đáng lưu ý trong phòng trừ sâu róm thông là chọn thời điểm sâu non tuổi còn nhỏ tiến hành phun thuốc. Đối với các khu rừng có mật độ sâu cao, tán bị ăn trụi hết thì  không cần phải phun thuốc mà phải chọn các khu rừng có tán lá đang còn xanh để phòng trừ.

Một phương pháp phòng trừ sâu róm thông khá hữu hiệu là phương pháp vật lý, thường sử dụng các bẫy đèn để dẫn dụ sâu trưởng thành đến để tiêu diệt, chọn các địa điểm đặt đèn sao cho ánh sáng của đèn chiếu sáng được nhiều vùng rừng, không đặt đèn dưới tán rừng hoặc quá sát chân đồi sẽ che khuất độ phát sáng của đèn. Dùng tấm nilon, chọn địa hình bằng phẳng hoặc cào đất cho bằng rồi trãi tấm nilon lên, đằn các góc, đổ một ít nước vào, đổ dầu hỏa hoặc cho một ít thuốc trừ sâu hóa học vào, khi sâu trưởng thành vào đèn rơi vào hố nước thì vớt lên cho vào túi để chôn lấp. Trong các loại ánh sáng mà sâu trưởng thành sâu róm thông mẫn cảm nhất đó là ánh sáng của đèn cực tím (tia tử ngoại, tia UV). Sâu trưởng thành có thể phát hiện ánh đèn cực tím hàng trăm mét, cần theo dõi thời gian vũ hóa rộ để bẫy đèn (thường sâu vũ hóa rộ khoảng 1 tuần), khi sử dụng đèn cực tím sẽ thu hút được lượng lớn sâu trưởng thành vào đèn, một điều cần chú ý tại những vùng bẫy đèn do có lượng lớn sâu trưởng thành bị dẫn dụ bay đến nhưng có thể vẫn còn một số sâu trưởng thành chưa kịp vào đèn mà đang ở lại trên tán cây thông. Vì vậy, cần đánh dấu tại các điểm bẫy đèn để theo dõi tình hình diễn biến phát sinh của sâu hại, khi sâu trưởng thành đẻ trứng cần tiến hành cắt tổ trứng hoặc sử dụng thuốc trừ sâu sinh học để phòng trừ khi có sâu non xuất hiện ở vùng này, tránh lây lan sang vùng khác.

Anh-tin-bai

Ảnh 5. Nhộng của sâu róm thông

Phương pháp phòng trừ thủ công cũng được áp dụng khi mật độ sâu thấp, diện tích bị nhiễm ít, bằng cách bắt sâu non, cắt các ô trứng… đem tiêu hủy. Tuy nhiên, do cây thông cao, đường kính lớn nên việc leo trèo hoặc dùng kéo cắt cành bắt thủ công là rất hạn chế.

Anh-tin-bai

Ảnh 6. Sâu róm thông bị nhiễm vi khuẩn Bacillus thuringiensis sau khi phòng trừ bằng thuốc trừ sâu sinh học VBT

Ngoài ra, biện pháp hóa học cũng có thể sử dụng nhưng không khuyến khích, chỉ tiến hành phòng trừ khi thực sự cần thiết trên diện hẹp bằng cách bao vây, xử lý các ổ dịch cục bộ, diện tích nhỏ. 

    Phan Quang Tiến

Phòng TCCB Sở Nông nghiệp và PTNT

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement