Thực trạng và một số giải pháp phát triển diện tích trồng Thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Là
một trong nhiều hệ rừng trồng gỗ, tuy nhiên cây Thông vừa mang giá trị kinh tế,
vừa mang giá trị cảnh quan và bảo vệ môi trường rừng. Thân cây mọc thẳng, tán
rộng, màu xanh tươi, rễ chắc, ít bị sâu bệnh, đặc biệt tuổi thọ sinh lý của cây
đến gần trăm năm. Chính bởi vậy Thông có thể tạo nên cảnh quan đẹp cũng như có
thể tác động tích cực, lâu dài đến môi trường. Từ những ưu thế này, không ít
quốc gia chọn cây Thông để phát triển các cánh rừng sinh thái, cảnh quan, tạo
thành những “vành đai sinh thái xanh".
Tại
tỉnh Nghệ An, sau nhiều chương trình, phong trào trồng rừng Thông từ những năm
trước đây như: Rừng trồng Thông được trồng qua các chương trình 1780, 4304 vào
những năm 80 trở về trước trên địa bàn các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu,
Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, ngoại trừ có
một số diện tích được trồng từ thời pháp thuộc tại thị xã Hoàng Mai (Phần lớn
hiện nay đã bị khai thác), hiện nay toàn Tỉnh hiện đang có gần 22.000ha rừng,
nằm phân bố trong cả 3 loại rừng: Phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Riêng đối với
khu vực biên giới biển, hải đảo, dọc các quốc lộ, tỉnh lộ và các điểm nhấn cảnh
quan đô thị có hàng ngàn ha rừng Thông đang được bảo vệ tốt.
Tuy
nhiên, do trong quá trình khai thác nhựa Thông của các chủ rừng một cách quá
mức, không theo đúng quy trình khiến cho không ít diện tích rừng Thông cây hiện
đang bị kiệt quệ, giảm tuổi thọ; nhiều cánh rừng Thông đứng trước nguy cơ bị
cháy, bị tàn phá, chết yểu; nhiều diện tích rừng Thông đang bị các cây trồng
khác có giá trị kinh tế trước mắt cao hơn đe dọa về diện tích thay thế. Trước
đây khi giá nhựa Thông tăng cao, nhiều diện tích rừng Thông còn xảy ra hiện
tượng khai thác nhựa trộm, tranh chấp, lấn chiếm rừng nhằm khai thác nhựa, dẫn
đến mất an ninh trật tự…
Từ
thực trạng này, mới đây, Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã ban hành Quyết định
số 138/QĐ-SNN-KHKT ngày 26/3/2024 về việc phê duyệt đề cương kỹ thuật điều tra,
đánh giá công tác quản lý bảo vệ và khai thác sử dụng; đề xuất giải pháp quản
lý và bảo vệ rừng Thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đây là một hành động được cụ
thể hóa từ các chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, từ những nhận thức của Lãnh
đạo tỉnh nhằm đánh giá hiện trạng quản lý, bảo vệ, sử dụng cây Thông trên địa
bàn tỉnh; để từ đó đưa ra những giải pháp bảo vệ, phục hồi diện tích Thông. Đặc
biệt, trong thời điểm cả tỉnh đang ở giai đoạn thời tiết cực đoan ảnh hưởng từ
hiện tượng El Nino, nắng nóng kéo dài, hiện tượng đốt thực bì vùng lân cận gây
cháy lan đến diện tích rừng Thông, nhiều kẻ cố tình phá hoại, hủy hoại nhiều
diện tích Thông trong thời gian qua.
Đây
có thể nói là hành động mang tính cấp bách, hướng tới các chủ rừng, từ đó nâng
cao ý thức bảo vệ rừng Thông cho người dân, các hộ nhận khoán, cũng như các chủ
rừng là các tổ chức, để người dân hiểu được
ý nghĩa của việc nâng cao quản lý và bảo vệ rừng trồng Thông
hiện có nhằm phát huy tính năng phòng hộ của rừng: Giữ nước, bảo
vệ nguồn nước, chống gió bão phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và
đời sống dân sinh; bảo tồn và phát triển các khu rừng cảnh quan, góp
phần vào việc phát triển các khu du lịch sinh thái tại các khu rừng
đặc dụng; việc khai thác sử dụng hợp lý để cung cấp nhựa phục vụ
cho sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Tuy nhiên ở khía cạnh khác, chính
sách này được đánh giá là không dễ thực hiện.
Theo
ông Ngô Hùng Tú, Phó Trưởng đoàn Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, qua
điều tra sơ bộ, trên địa bàn tỉnh đang có khoảng 22.000 ha rừng Thông (gồm cả thuần loài và hỗn giao) tuy nhiên theo quan sát thì việc xử
lý thực bì đang gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn kinh phí hỗ trợ; dự kiến để
xử lý 1 ha thực bì dưới tán rừng Thông tốn kém tối thiểu từ 4-5 triệu đồng.
Trong khi nguồn kinh phí cho công tác phòng chống, cháy rừng cũng rất hạn hẹp,
các đơn vị quản lý rừng và các địa phương còn phải chi vào việc mua sắm thêm dụng
cụ chữa cháy, công tác tập huấn, duy tu chòi canh, làm đường băng cản lửa…
trong bối cảnh kinh tế của các chủ rừng Thông còn khó khăn, phụ thuộc nhiều vào
nguồn khai thác nhựa Thông; mà giá nhựa Thông sau khai thác trên thị trường
hiện tại khoảng 20.000 đồng/kg, dẫn đến việc người dân bỏ bê; không mặn mà với
khai thác nhựa Thông cũng như bảo vệ diện tích rừng Thông; ngoài ra vì trồng
thuần loài ở diện tích lớn, (nên xuất hiện bệnh đồng ruộng) dịch sâu róm Thông,
nên đề xuất các cấp các ngành nghiên cứu trồng xen kẽ cây bản địa. Mô hình này
đã được thực nghiệm thành công tại Trường Đại học lâm nghiệp Việt Nam. Vậy việc
xem xét hỗ trợ chính sách cho công tác phòng chống, cháy rừng của các chủ rừng
là hoàn toàn hợp lý, cấp bách.
Chúng
ta, có thể thấy, để bảo vệ tốt các cánh rừng Thông, biến đây thành những “lá
chắn xanh”, tác dụng tốt đến cảnh quan, môi trường, ứng phó với biến đổi khí
hậu, ngoài thực hiện những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho chủ rừng còn cần chú
trọng đến việc chuyển đổi nghề, đào tạo kỹ năng nghề cũng như giới thiệu việc
làm cho những người sống dựa vào các rừng Thông.
Bên
cạnh đó, cần thiết hướng dẫn, giám sát, quản lý về quy trình khai thác nhựa Thông
theo tiêu chuẩn, để chủ rừng sau thời gian chăm sóc, phục hồi cây rừng vẫn có
thể khai thác nhựa Thông mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, đồng thời tiếp
tục bảo vệ, chăm sóc cho cây Thông tốt hơn.
Một
số giải pháp cơ bản về bảo vệ và phát triển diện tích trồng Thông trên địa bàn
tỉnh Nghệ An
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục tạo sự chuyển
biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, doanh
nghiệp, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và mọi người dân đối với công tác bảo vệ
và phát triển rừng; thấy rõ được vai trò đặc biệt quan trọng của cây Thông đối
với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh
hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu đặc biệt khu vực ven biển chắn song, chắn
cát và khu vực rừng phòng hộ liền kề với các hồ, đập thủy lợi, thủy điện trọng
điểm. Quản lý, bảo vệ và phát triển phục hồi diện tích rừng Thông là trách
nhiệm của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, nhất
là đối với các địa phương có rừng; tăng cường sự giám sát của người dân, cộng
đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với công tác
quản lý, bảo vệ và phát triển phục hồi rừng Thông.
- Xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật về bảo
vệ rừng.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ và
phát triển rừng. Kiện toàn, củng cố tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước, làm rõ
chức năng, nhiệm vụ của các ngành, các cấp từ Tỉnh tới cơ sở về lâm nghiệp; xây
dựng lực lượng kiểm lâm đủ mạnh để thực thi hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ
và phát triển diện tích rừng thông.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế,
chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, khắc phục sự chồng chéo, bảo
đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khả thi. Gắn mục tiêu bảo vệ, phát triển diện tích
rừng thông với hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, nâng cao thu
nhập, bảo đảm đời sống, việc làm, an sinh xã hội cho người dân địa phương, nhất
là cho người dân làm nghề rừng. Đẩy mạnh xã hội hoá, có cơ chế, khuyến khích,
tạo thuận lợi cho người dân và các thành phần kinh tế cùng tham gia quản lý,
bảo vệ và phát triển rừng.
Tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các ngành và địa
phương để thực hiện quyết liệt, hiệu quả công tác kiểm tra, thanh tra, giám
sát, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật, thiết lập trật
tự, kỷ cương trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chủ động, nâng
cao năng lực, xử lý kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống cháy, chữa cháy và
sạt lở đất rừng để hạn chế thấp nhất số vụ cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng.
Khắc phục và giải quyết dứt điểm tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng
phòng hộ trái pháp luật; hoàn thành việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và cộng
đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng thông của các cơ
quan chức năng
Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
thông là trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền và người đứng
đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa
phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng
thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn mình quản lý, hoặc để cho các tổ chức, cá nhân
cấp dưới vi phạm các quy định pháp luật về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Trên đối tượng đất trống được hình thành sau cháy, phá hoại với diện tích rừng
Thông, đề nghị bắt buộc chủ rừng phải thực hiện giải pháp trồng rừng lại bằng
cây Thông hoặc cây bản địa như Lim xanh, Sao đen (Không được trồng thay thế
bằng cây Keo), tránh diện tích trồng Thông được hợp pháp hóa thành đất trồng
rừng Keo làm giảm tác dụng của rừng phòng hộ./.
Quốc
Hưng - ĐTQHLN