image banner
Thực trạng và nguyên nhân chủ yếu của các hành vi hủy hoại rừng; đề xuất giải pháp ngăn chặn
Lượt xem: 10989
Các đối tượng vi phạm phần lớn thường lựa chọn phương thức tỉa thưa, từng bước cơi nới diện tích đất trống để trồng rừng keo

Trong những năm gần đây trên địa bàn các huyện miền núi ở Nghệ An như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Nam Đàn... đã xẩy ra hàng loạt vụ phá rừng tự nhiên, đốt cháy rừng trồng Thông do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng mục đích chủ yếu là để lấy đất trồng keo. Sau các vụ phá rừng, cháy rừng các cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra, xét xử, phạt hành chính, phạt tù nhưng các vụ vi phạm không những không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng cả về số vụ lẫn tính chất phức tạp. Ngành Nông nghiệp và PTNT cần giao cho cơ quan chuyên môn điều tra, kiểm chứng, đề ra giải pháp phục hồi hữu hiệu nhằm ngăn chặn có hiệu quả các hành vi chặt, phá, đốt rừng trái pháp luật.

Anh-tin-bai

I) THỰC TRẠNG VÀ NGUYÊN NHÂN CHỦ YẾU CỦA CÁC HÀNH VI HỦY HOẠI RỪNG:

Các đối tượng vi phạm phần lớn thường lựa chọn phương thức tỉa thưa, từng bước cơi nới diện tích đất trống để trồng rừng keo. Ngoài ra có những trường hợp ngang nhiên tác động trên phạm vi lớn, trong thời gian ngắn; Điển hình như vụ phá rừng ở Nam Sơn (huyện Quỳ Hợp) năm 2023 do Lê Văn Thành chủ mưu; Ở xã Diễn Lãm (huyện Quỳ Châu) năm 2022 do Lữ Văn Phưởng chủ mưu; Xã Đôn Phục (huyện Con Cuông) năm 2021 do Võ Văn Sự chủ mưu; xã Bình Chuẩn (huyện Con Cuông) năm 2022 do Lô Văn Huyền chủ mưu... Tính riêng trong 05 tháng đầu của năm 2024 có các vụ việc điển hình như sau:

- Về hủy hoại rừng tự nhiên: Tính từ tháng 2 đến tháng 4 trên địa bàn các xã Thạch Ngàn, Bình Chuẩn, Cam Lâm thuộc huyện Con Cuông đã xẩy ra 03 vụ hủy hoại rừng gây hậu quả nghiệm trọng, với tổng diện tích hơn 120.000m2 (Hơn 12 ha); do Nguyễn Trọng Sơn, Nguyễn Trọng niệm chủ mưu đã lôi kéo 23 lượt người tham gia chặt, phá, đốt rừng trái phép.

Anh-tin-bai

- Về hủy hoại rừng trồng: Vụ cháy rừng trồng trong hai ngày 30/4 và 1/5 năm 2024 tại xã Thanh Khai (huyện Thanh Chương),; Thị trấn Nam Đàn, xã Nam Thái (huyện Nam Đàn) đã hủy hoại 84.708 m2 (8,47 ha). Trong đó:

+ Trên địa bàn huyện Nam Đàn đã hủy hoại 62.194m2 (59.642m2 rừng trồng Thông, 2.552 m2 rừng trồng Lim xanh). Toàn bộ diện tích bị cháy là rừng đặc dụng do Ban quản lý rừng đặc dụng Nam Đàn quản lý.

+ Trên địa bàn huyện Thanh Chương: Đã hủy hoại 22.514 m2 rừng trồng Thông và hỗn giao Thông + Keo.

Từ thực trạng có nhiều diện tích rừng tự nhiên (Như rừng nghèo kiệt, rừng phục hồi) chưa có giá trị về mặt kinh tế nhưng không được phép tác động (Theo chỉ thị 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng) bị hủy hoại. Các diện tích rừng tự nhiên hoặc rừng trồng Thông của Nhà nước sau khi bị hủy hoại (Kể cả diện tích nhỏ đến lớn) đều được phục hồi bằng trồng cây Keo thiết nghĩ đây là nguyên nhân chính để các vụ hủy hoại rừng tự nhiên và rừng trồng của Nhà nước có chủ đích của con người vẫn tiếp tục diễn ra.

II) ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN:

Trước tình hình phát triển kinh tế ở các vùng nông thôn, kinh tế rừng (Lợi nhuận từ trồng rừng Keo nguyên liệu) đã và đang làm thay đổi cuộc sống của người dân. Diện tích rừng Thông phần lớn do Nhà nước (Các ban quản lý rừng, UBND các xã) quản lý bảo vệ và sử dụng, giá bán nhựa thông trong thời gian gần đây thấp cho nên có một số chủ rừng đã thuê người dân bản địa phát đốt rừng tự nhiên trái phép; Đốt phá rừng trồng Thông với quy mô từ nhỏ đến lớn để trồng rừng bằng cây Keo nguyên liệu. Để từng bước thay đổi nhận thức và triệt tiêu suy nghĩ của một số phần tử muốn hủy hoại rừng để trồng keo cần có chủ trương, chỉ đạo và thực hiện việc phục hồi rừng bằng giải pháp sau:

1) Thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng:

- Tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của rừng và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.

-  Xây dựng và thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ rừng.

- Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng của các cơ quan chức năng..

2) Thực hiện giải pháp lâm sinh để phục hồi rừng:

-  Trên đối tượng là đất trống hình thành sau rừng tự nhiên bị hủy hoại: Phần lớn các diện tích này hoàn cảnh rừng vẫn còn, tầng đất dày...cây rừng có điều kiện tái sinh tự nhiên, phát triển nhanh cho nên bắt buộc chủ rừng phải áp dụng giải pháp khoanh nuôi rừng là chủ yếu hoặc trồng rừng bằng cây bản địa (Không được trồng rừng bằng cây Keo).

- Trên đối tượng đất trống được hình thành sau cháy rừng Thông: Rừng trồng Thông được trồng thông qua các chương trình 1780, 4304 vào những năm 80 trở về trước trên địa bàn các huyện thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, ngoại trừ có một số diện tích được trồng từ thời pháp thuộc tại Thị xã Hoàng Mai (Phần lớn hiện nay đã bị khai thác). Cây thông ở Nghệ An có giá trị lớn về phòng hộ, kinh tế và cảnh quan môi trường cho nên trên những diện tích rừng trồng Thông sau khi bị hủy hoại đề nghị bắt buộc chủ rừng phải thực hiện giải pháp trồng rừng lại bằng cây Thông hoặc cây bản địa như Lim xanh, Sao đen (Không được trồng bằng cây Keo).

Nguyễn Cảnh Cẩn – TĐ Điều tra QHLN

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement