Đổi mới cách tiếp cận giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Tổ chức INKOTA- Cộng hòa liên bang Đức tại tỉnh Nghệ An
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu nhưng công tác giảm nghèo vẫn gặp khó khăn, thách thức. Do đó cần phải đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại tỉnh Nghệ An
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở Nghệ An có sự vào cuộc mạnh mẽ của Đảng bộ, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các sở, ban ngành, đoàn thể; sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tạo được sự lan tỏa, đồng thuận hưởng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Vì thế, mục tiêu giảm nghèo trở thành nhiệm vụ, chỉ tiêu quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Thách thức với nỗ lực giảm nghèo
Đầu năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Nghệ An 4,11% (tương đương 41.041 hộ), tỷ lệ hộ cận nghèo 7,35% (tương đương 75.389 hộ). Đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo ước khoảng 3% (giảm 1,11% so với đầu năm 2020); hộ cận nghèo ước khoảng 4,5% (giảm 2,85% so với đầu năm 2020). Nguồn lực đầu tư thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, chủ yếu từ ngân sách Trung ương; ngân sách địa phương và huy động các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ. Đến tháng 11/2020, tổng nguồn lực huy động thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt 3.406.764 triệu đồng. Việc huy động, sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cơ bản đúng mục đích, tiết kiệm và đạt hiệu quả.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh vừa được thông qua năm 2022, kế hoạch phân bổ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh là hơn 918,868 tỷ đồng; riêng trong năm 2022 là hơn 404 tỷ đồng.
Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều bình quân hàng năm từ 1-1,5%/năm, trong đó vùng miền núi 2-3%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của Quốc gia.
Mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành Kế hoạch số 322/KH-UBND Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Nghệ An đặt ra mục tiêu trong năm 2023 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5%, trong đó vùng miền núi giảm từ 2-3%; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%.
Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững năm 2023 là trên 512 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là trên 204 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là trên 308 tỷ đồng.
Kế hoạch đề ra mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư phát triển kinh tế, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn, đào tạo kỹ năng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, tăng nhanh thu nhập, nâng cao điều kiện sinh hoạt và chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
Cụ thể, Nghệ An thực hiện 7 dự án hỗ trợ, bao gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; Truyền thông và giảm nghèo về thông tin; Nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.
Muốn giảm nghèo bền vững phải đổi mới cách tiếp cận
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý bảo vệ rừng và phát triển sinh kế cho dân địa phương, tỉnh Nghệ An đã có Nghị Quyết HĐND tỉnh số 129/2014/NQ-HĐND ngày 16/7/2014 tại kỳ họp thứ 11, khóa XVI, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An về việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng. UBND tỉnh có Đề án 4213/QĐ-UBND, ngày 20/9/2018 về việc phê duyệt đề án giao rừng, gắn với giao đất lâm nghiệp và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trên địa bàn, giai đoạn 2018 – 2021.
Nhằm thu hút hỗ trợ nguồn lực đầu tư nước ngoài để góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách nói trên, Tổ chức INKOTA- Cộng hòa liên bang Đức đã hỗ trợ Dự án: Giao đất rừng cho đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Yên Na và Yên Thắng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An.
Trong 3 năm thực hiện pha 1 của Dự án được sự hỗ trợ của các cấp chính quyền và các sở ngành, đơn vị liên quan và cộng đồng địa phương nên Dự an đã đạt được nhiều kết quả, được chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đánh giá cao.
Dự án đã tổ chức nhiều khóa tập huấn kỹ thuật, các cuộc họp, hội thảo về giao đất rừng có sự tham gia và phát triển sinh kế cho cán bộ và nhân dân với hơn 1.500 lượt người tham gia.
Tổ chức INKOTA- Cộng hòa liên bang Đức đã phối hợp với Đoàn điều tra quy hoạch đất lâm nghiệp Nghệ An, Phòng tài nguyên môi trường, Phòng nông nghiệp, và Hạt kiểm lâm huyện Tương Dương với sự tham gia của người dân đã giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 841 hộ gia đình trong đó có 294 hộ nghèo và 60 hộ nghèo, 34 hộ phụ nữ đơn thân làm chủ hộ với tổng diện tích là 2.632,1 ha. Giao rừng cộng đồng cho 15/15 bản của 2 xã Yên Thắng và Yên Na với diện tích 4.785 ha ( với 2.429 hộ hưởng lợi).
Chính sách giao đất giao rừng cho cộng đồng và hộ gia đình quản lý đã tạo bước chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý lâm nghiệp, gắn trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng với cộng đồng dân cư bản địa. Từ đó, rừng được bảo vệ một cách hiệu quả hơn; giảm thiểu và chấm dứt nạn phát rừng làm rẫy, nâng cao đời sống của người dân. Việc thu hút người dân, đặc biệt là các cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số vào tiến trình quản lý rừng là hết sức đúng đắn.
Ngoài ra, Tổ chức INKOTA - Cộng hòa liên bang Đức cũng đã phối hợp hỗ trợ Dự án nuôi bò vỗ béo (31 hộ tham gia): Cấp 26.800kg xi măng làm chuồng trại; Cỏ voi giống: 4.500kg; Cỏ xả giống: 2.500kg; Hỗ trợ nuôi ong lấy mật cho 10 hộ: Cấp 20 thùng; Nuôi dê sinh sản 15 hộ: Cấp 30 dê giống; Chè hoa vàng và rau ngót rừng 50 hộ: Cấp 1.000 cây giống chè hoa vàng và 500 cây ra ngót rừng.
Để chia sẻ kết quả hoạt động của Dự án, đơn vị đã tổ chức 04 hội thảo chia sẻ, nhân rộng mô hình cấp tỉnh, huyện, xã với 165 người tham gia với các đại diện UBND huyện Tương Dương (Phòng TN&MT, Phòng NN&PTNT ), Văn phòng đăng ký đất đai huyện Tương Dương Hạt kiểm lâm Tương Dương, UBND huyện Thanh Chương (Nghệ An), UBND các xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm (Huyện Thanh Chương), Đoàn Điều tra quy hoạch lâm nghiệp Nghệ An, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT).
Từ những kết quả đạt được bước đầu của Dự án trong pha 1, nhà tài trợ INKOTA dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn II cho 3 xã Hữu Khuông, Yên Thắng và Yên Na của huyện Tương Dương để góp phần hỗ trợ công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền tây Nghệ An, với mục tiêu dự án: “Các hộ người dân tộc thiểu số tại 3 xã dự án Yên Thắng, Yên Na và Hữu Khuông quản lý, canh tác và bảo vệ diện tích đất và rừng được giao một cách bền vững và tăng thu nhập”, đối tượng hưởng lợi bao gồm khoảng 2.600 hộ gia đình tại ba xã Yên Thắng, Yên Na và Hữu Khuông.
Trong quá trình thực hiện các chương trình giảm nghèo, nhà tài trợ INKOTA chú trọng giảm chương trình hỗ trợ trực tiếp, cho không; mà thực hiện các chính sách hỗ trợ có điều kiện sẽ làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân; khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên của người dân để xây dựng cuộc sống ấm no, góp phần đưa Nghệ An phát triển nhanh và bền vững./.
Quốc Hưng - Minh Đức – Đoàn Điều tra QH Lâm nghiệp