Đoàn Công tác Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Bình
Từ
ngày 11/10/2024 đến ngày 12/10/2024, Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh
Nghệ An do đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc dẫn đầu đã có chuyến công
tác thăm và làm việc tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình. Tham gia đoàn còn
có cán bộ các phòng, ban của Sở Nông nghiệp và PTNT, lãnh đạo các Ban quản lý rừng
phòng hộ, rừng đặc dụng, các công ty lâm nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ
An, Đoàn Điều tra – Quy hoạch Lâm nghiệp Nghệ An.
Ảnh 1. Quang cảnh làm việc
tại Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình
Về
phía Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình có đồng chí Trần Đình Hiệp, Phó
Giám đốc và đồng chí Nguyễn Xuân Toàn, Chánh văn phòng cùng cán bộ các phòng,
ban Sở, Lãnh đạo chi cục Kiểm lâm, Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu
– Khe nước trong, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Trung tâm Điều tra, Quy hoạch
nông lâm sản Quảng bình. Đồng chí Trần Đình Hiệp đã giới thiệu khái quát chung
về điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội tỉnh Quảng Bình. Tỉnh Quảng Bình có 8 đơn
vị hành chính cấp huyện (6 huyện Quảng Trạch,
Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy, Minh Hóa, Tuyên Hóa và thị xã Ba Đồn và thành phố
Đồng Hới) có dân số có 913.862 người (năm
2022). Tỉnh Quảng bình có phía Bắc giáp tỉnh Hà Tĩnh, phía Nam giáp tỉnh Quảng
Trị, phía Tây giáp nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, phía Đông giáp Biển
Đông. Về địa hình, chạy dọc theo chiều dài từ Bắc và Nam có dãy Trường Sơn với độ
dốc lớn nghiêng từ Tây sang Đông, là nơi có chiều ngang hẹp nhất cả nước (40,3 km). Được sự ủy quyền của Lãnh đạo
Sở, đồng chí Nguyễn Văn Long, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm đã thông tin tình
hình công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó diện
tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 614.510 ha/799.876 ha diện tích tự nhiên (chiếm 76,82%). Diện tích rừng tự nhiên
có 571.378 ha/614.510 ha rừng (chiếm
92,98%), độ che phủ của rừng đạt 68,7% đứng thứ 2 toàn quốc sau tỉnh Bắc Kạn.
Về phân loại rừng theo chức năng có 144.500 ha rừng đặc dụng do 2 Ban quản lý rừng
đặc dụng quản lý (Vườn Quốc gia Phong Nha
– Kẻ Bàng, Khu dự trữ thiên nhiên Động Chân – Khe nước trong) và có hơn 509
ha khu núi đá vôi để bảo tồn loài Voọc đen má trắng với gần 200 cá thể tại huyện
Tuyên Hóa (Ban quản lý rừng cộng đồng)
và khoảng 100 ha khu rừng tâm linh; toàn tỉnh có 152.000 ha rừng phòng hộ được
giao cho 5 Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý (1 Ban quản lý thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT và 4 Ban thuộc UBND các
huyện); toàn tỉnh có 318.000 ha rừng sản xuất được giao cho 2 công ty lâm
nghiệp (Công ty lâm công nghiệp Long Đại
và Công ty lâm nghiệp Bắc Quảng Bình ) và UBND cấp xã, hộ gia đình, cá nhân
quản lý. Trong nững năm qua công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh
Quảng Bình đạt nhiều kết quả tốt, diện tích rừng tự nhiên được bảo vệ nghiêm ngặt,
công tác phát triển rừng được quan tâm, bình quân mỗi năm toàn tỉnh trồng được
từ 8.500 – 9.000 ha, khai thác với sản lượng khoảng 600.000 m3 gỗ phục
vụ cho sản xuất (gép thanh, viên nén, băm
dăm…) và xuất khẩu (Năm 2023 xuất khẩu
đạt khoảng 65 triệu USD), diện tích trồng rừng gỗ lớn có 5.000 ha, diện
tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên 11.250 ha, mô hình trồng cây dược liệu dưới
tán rừng 15 ha. Nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng chủ yếu từ du lịch sinh
thái, thủy điện, nước sạch mỗi năm chi trả trên 10 tỷ đồng. Ngoài ra còn nguồn
chi trả giảm phát thải khí nhà kính giai đoạn 2023 – 2025 cho vùng Bắc Trung Bộ
được 295,96 tỷ đồng, phục vụ chi trả cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân…
Ảnh 2. Đoàn công tác Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An chụp
ảnh lưu niệm với Ban quản lý Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe nước trong
thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình
Bên cạnh đó công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng
cũng còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như áp lực vào rừng tự nhiên lớn, diện
tích rừng giao cho hộ gia đình nhỏ lẽ, manh mún, phân tán khó quản lý, việc xác
định ranh giới rừng trên bản đồ và thực địa còn có nhiều chồng lấn, việc thay đổi
cơ quan thực hiện việc giao đất, giao rừng (từ Chi cục Kiểm lâm thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT sang Sở Tài Nguyên và Môi
trường), cơ chế chi trả giảm phát thải khí nhà kính cho một số đối tượng còn
chưa cụ thể, việc trồng rừng thay thế khó thực hiện do địa hình độ dốc lớn, xa
khu dân cư; công tác quản lý nguồn giống lâm nghiệp chưa thực sự chặt chẽ…
Định
hướng trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình tiếp tục triển
khai thực hiện tốt các quy định quản lý nhà nước về lâm nghiệp; tổ chức tiến
hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch lâm nghiệp tỉnh Quảng Bình phù hợp với quy
hoạch lâm nghiệp quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn thành việc
xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và đẩy mạnh việc cấp chứng chỉ rừng (FSC) đối với rừng sản xuất; tăng cường
công tác quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp, xúc tiến kêu
gọi đầu tư cơ sở sản xuất giống lâm nghiệp công nghệ cao (nuôi cấy mô) để tăng năng suất, chất lượng rừng trồng; phát triển,
mở rộng diện tích rừng trồng gỗ lớn, thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp chế biến
gỗ với người dân tạo đầu ra và vùng nguyên liệu ổn định; thu hút các dự án đầu
tư, tạo sinh kế giúp người dân có thu nhập ổn định, giảm áp lực vào rừng tự
nhiên; rà soát, phát triển thêm các loại hình dịch vụ môi trường rừng để tạo
nguồn thu góp phần vào công tác quản lý, bảo vệ rừng; xây dựng các dự án đầu tư
cơ sở hạ tầng lâm sinh phục vụ cho việc bảo vệ, phát triển rừng và kinh tế xã hội.
Thay
mặt đoàn công tác Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Danh Hùng, Phó Giám đốc đã chia
sẽ những kết quả về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Nghệ
An trong thời gian qua. Đoàn cũng đã đến tham quan, khảo sát thực địa tại Khu Bảo
tồn thiên nhiên Động Châu – Khe nước trong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Ảnh 3. Đoàn công tác Sở
Nông nghiệp và PTNT kính viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân
dịp này, để tỏ lòng thành kính, biết ơn một vị tướng tài ba của dân tộc, người
anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Đoàn công tác của Sở Nông nghiệp
và PTNT đã đến dâng hoa, thắp hương, kính viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại
núi Thọ, mũi Rồng, vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc xã Quảng Đông, huyện Quảng
Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Phan
Quang Tiến - Phòng
TCCB Sở Nông nghiệp và PTNT