image banner
Bất cập trong phòng trừ sâu bệnh hại dưa lê và biện pháp khắc phục!
Lượt xem: 1675
Bọ trĩ: Bọ trĩ sống tập trung, gây hại chủ yếu ở đọt non và trong búp lá, di chuyển nhanh. Con trưởng thành nhỏ, dài 1-2 mm có màu đen

Để hỗ trợ bà con trong trong tác trồng mới, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại trên các đối tượng cây trồng như ổi, mía, bí xanh, dưa chuột và dưa lê. Ngày 01-04/4/2024 chi cục TT&BVTV phối hợp cùng công ty TNHH MTV Cao su Cafe Nghệ An đã cử cán bộ trực tiếp nắm bắt diễn biến và hướng dẫn các hộ nông trường viên về mặt kỷ thuật. Qua thực tế triển khai nhiều bất cập trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại đã được thống nhất nhận định để khắc phục, đặc biệt là trên các đối tượng đã, đang và sẽ tiếp tục gây hại trên dưa lê, dưa chuột, bí xanh từ nay đến cuối vụ.

Anh-tin-bai

 

Kết quả đồng hành cùng bà con trong 03 ngày chúng tôi nhận thấy bên cạnh các tồn tại trong kỹ thuật lựa chọn hạt giống, ngâm ủ, xử lý, làm bầu, chăm sóc cây con, trồng mới, chăm sóc và quản lý sâu bệnh hại ngoài đồng còn nhiều bất cập. Trong đó, quản lý dịch hại và sử dụng thuốc không đảm bảo nguyên tắc 4 đúng phổ biến gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho bà con cũng như ảnh hưởng đến môi trường, năng suất và đặc biệt là chất lượng sản phẩm, cụ thể được nhận định như sau:

Thứ nhất: Sử dụng không đúng thuốc, trong đó điển hình như sử dụng thuốc tiếp xúc, vị độc để trừ sâu đục thân, đục quả. Nên kết quả phòng trừ không có kết quả.

Thứ hai: Sử dụng thuốc phun định kỳ, không biết có sâu bệnh hay không làm tăng nguy cơ kháng thuốc, gây ô nhiễm, tiêu diệt thiên địch, gây mất cân bằng sinh thái, giảm chất lượng sản phẩm. Đặc biệt là chất lượng các sản phẩm ăn tươi như dưa các loại.

Thứ ba: Tự ý tăng liều lượng cao hơn khuyến cáo của nhà sản xuất, gây lãng phí. Pha thuốc thường không đủ lượng nước, không phun đúng kỷ thuật giảm hiệu lực của thuốc. Đặc biệt đối với các đối tượng hiện gây hại phổ biến như bọ trĩ, nhện đỏ gây hại ở mặt dưới lá nhưng người dân lại phun chỉ ở mặt trên của lá nên hiệu quả gần như không có.

Thứ tư: Chưa nắm bắt, hiểu đúng về tác dụng của các loại thuốc nên chủ yếu nghe theo tư vấn của các cơ sở bán thuốc nên dẫn tới phối trộn nhiều loại thuốc và cả phân bón lá để sử dụng. Kết quả, một số hướng dẫn không phù hợp, việc phối hợp, pha trộn làm xẩy ra phản ứng giữa các loại thuốc, phân bón làm mất hiệu lực của thuốc. Kết quả không phòng trừ tốt sâu bệnh hại, lãng phí, ô nhiễm, tăng đầu vào cho sản phẩm, … dẫn đến giảm hiệu quả trong sản xuất.

Thứ năm: Do nhận thức của một bộ phận rất lớn của các cơ sở bán thuốc, khi bà con nêu hiện tượng gây hại không điển hình đã dẫn tới tư vấn sử dụng thuốc theo kiểu bao vây (đối tượng chính là nhện hay bọ trĩ nhưng lại bán cho người dân cả thuốc trừ sâu, trừ bệnh phổ rộng + dinh dưỡng bón qua lá). Kết quả phòng, trừ thấp thậm chí không có tác dụng gây lãng phí, ô nhiễm và thiệt hại rất lớn cho người sử dụng.

Trên cơ sở đó chúng tôi cùng với bà con thống nhất nhận định một số đối tượng chính đã và tiếp tục gây hại chính trên dưa lê từ nay đến cuối vụ:

Bọ trĩ: Bọ trĩ sống tập trung, gây hại chủ yếu ở đọt non và trong búp lá, di chuyển nhanh. Con trưởng thành nhỏ, dài 1-2 mm có màu đen, râu đầu dài, chiếm 1/3 thân, 2 đuôi cánh hẹp, cánh trước ở phần giữa thắt lại. Trưởng thành đẻ trứng rải rác trong mô lá. Trứng nhỏ mới đẻ màu trắng sữa, gần nở có màu vàng nhạt. Bọ trĩ non rất giống thành trùng nhưng không cánh màu vàng nhạt. Chúng có thể sống đến 3 tuần, bọ trĩ hoạt động cả ban ngày và ban đêm, ban ngày chúng hoạt động tương đối nhanh nhẹn, khi bị khua động chúng lẩn tránh sang lá khác hoặc giả chết rơi xuống đất. Chúng ẩn nấp trong lá nõn hoặc các chót lá quăn.

Triệu trứng gây hại: Bọ trĩ tấn công lá non cho đến khi lá gần trưởng thành. Chích hút chất dinh dưỡng trong lá làm cho phát triển kém. Đọt bị chích hút sẽ xoăn chùn lại, sượng ngẩng đầu lên cao, không vươn lóng. Lá bị tấn công có màu sáng bạc, ít thấy màu xanh. Kích thước lá có thể giảm, lá có thể bị biến dạng trong trường hợp nghiêm trọng. Mặc dù không gây chết cây nhưng làm cây sinh trưởng phát triển kém làm cho ra hoa đậu quả kém, trái nhỏ, chất lượng giảm. Bọ trĩ phát triển quanh năm, đặc biệt vào thời tiết nóng và khô. Khi thời tiết càng khô nóng, thiếu nước, bọ trĩ càng phát triển mạnh. Vì thế, ngoài việc chăm sóc cây tốt, chúng ta nên tưới nước cho cây đều đặn bằng cách dùng vòi phun lên lá cây để cuốn trôi bọ trĩ, hay sử dụng hệ thống phun mưa để tăng ẩm, tạo mát làm hạn chế số lượng cũng như khả năng gây hại của bọ trĩ. Bà con cũng nên chú ý dọn dẹp vườn sạch, cắt bỏ cỏ dại tỉa cành tạo tán, giữ khoảng cách giữ cây trồng, mật độ cây vừa phải, vườn thoáng mát, để bọ trĩ không có chỗ trú ngụ và phát triển. Khi đến ngưỡng phòng trừ tiến hành phun các loại thuốc như: Arafat 270SC, Pilaravia 155SC, Seroto 224 SC,…. Phun đẫm vào phần ngọn, đọt lá. Để tăng hiệu quả giảm tính kháng thuốc nên phun xen kẽ các thuốc trên sau mỗi đợt phun hay đổi thuốc khi hiệu lực của thuốc có hiện tượng giảm.

Nhện đỏ: Nhện đỏ có kích thước rất nhỏ, trên thân của chúng có phủ một lớp lông thưa, có 8 chân và trải qua 3 giai đoạn phát triển từ trứng, ấu trùng, thành trùng. Nhện đẻ trứng rất nhỏ, với hình cầu hoặc củ hành, có vẻ ngoài bóng mọng, nằm sát ở gân lá. Trứng nở trong vòng từ 4 đến 5 ngày. Ấu trùng dạng hình bầu dục, có 3 đôi chân. Từ ấu trùng cho đến lúc thành trùng sẽ mất khoảng từ 5 - 10 ngày. Thành trùng có kích thước khoảng 0,4 mm, toàn thân phủ lông lưa thưa với màu xanh, đỏ, trắng. Nhện trưởng thành nhả tơ giăng thành 1 lớp sợi rất mỏng ở mặt dưới lá, đẻ trứng từng quả gắn vào lớp tơ. Đặc điểm gây hại: Nhện đỏ lan truyền, tăng diện tích gây hại trong vườn nhờ nhả những sợi tơ đưa gió và các dụng cụ làm vườn. Cả nhện trưởng thành và nhện non sống tập trung mặt dưới lá, cắn biểu bì và chích hút mô dịch của lá cây, làm giảm khả năng quang hợp của cây, tăng thoát hơi nước từ đó khiến cây kém phát triển. Khi cây bị nhẹ, lá có đốm trắng như hạt bụi li ti, sau chuyển sang màu vàng, phồng rộp, cằn lại, khô cứng và rụng như là bị bụi. Khi cây bị hại nặng, lá có màu trắng bạc dễ bị rụng, cây còi cọc, sinh trưởng kém. Khi mật độ nhện đỏ cao, cả cành non cũng bị nhện đỏ tấn công, cành trở nên khô và chết. Không chỉ gây hại trên lá, nhện đỏ còn khiến hoa bị rụng, trái cây bị vàng, sạm và dễ nứt khi trái lớn lên.Nhện đỏ còn là nhân tố truyền virus cho cây thông qua việc chích hút.

Do khả năng sinh sản của cả 02 đối tượng bọ trĩ, nhện đỏ trên dưa lê rất nhanh, kích thước chúng nhỏ, chủ yếu gây hại mặt dưới lá, có lông tơ, khi thấy động linh hoạt ẩn nấp kẽ lá, búp trong điều kiện dưa lê phủ sát mặt đất  nên cần pha đủ lượng nước, phun kỹ, phun đẫm,... đảm bảo ướt cả 02 mặt lá. Không nhưng vậy, bọ trĩ nhện đỏ rất nhanh kháng thuốc trừ sâu hóa học nên sử dụng thuốc cần thực hiện luân phiên thuốc và phun kép khi mật độ bọ trĩ hoặc nhên cao, phun lần 2 cách lần 1 từ 5 -7 ngày. Thời điểm hiện nay cần phun trừ, có thể sử dụng thuốc hóa học như: Incipio 200SC, Fenuron Gold 500SC, Sierher 3.6EC, Abisec 1.8EC, Fier 500 SC, Spiro 240SC, Spinner 25SC, Minecto star 60WG, Revus opti 440 SC,…để không bị nóng gây hại cho dưa.

Tuyến trùng hại dưa: Tuyến trùng gây hại nặng trên cây trồng ngoài đất, đặc biệt là trồng liên tục từ vụ thứ 2-3 trở đi. Nhiều trường hợp gây hại nặng làm mất trắng toàn bộ cả vườn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới thu nhập của bà con nông dân.

Như vậy, đối với tuyến trùng áp dụng các biện pháp luân canh, xen canh cây trồng; Lựa chọn giống cây sạch bệnh, kháng bệnh; Giá thể làm bầu cây cần được xử lí đảm bảo không có mầm bệnh. Tăng cường bổ sung phân hữu cơ đã được ủ hoai mục có trộn với Trichoderma; Nấm Trichoderma có tác dụng đối kháng với tuyền trùng và nấm bệnh. Trồng các loại cây có tính kháng tuyến trùng, có thể gây ngộ độc và xua đuổi tuyến trùng như các loại cây họ đậu, rễ cây ruốc cá, hạt và lá cây sầu đâu rừng, cây cúc vạn thọ,…Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh sớm và xử lý kịp thời. Không sử dụng quá nhiều phân hóa học đa lượng, đặc biietj là đạm để thúc cây lớn nhanh (vì càng bón nhiều NPK thì càng làm cho đất bị chua và đây lại là môi trường thuận lợi cho tuyến trùng sinh trưởng, phát triển và gây hại). Cần bón bổ sung các dinh dưỡng trung, vi lượng cần thiết cho cây trồng để tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh của cây. Kiểm tra pH định kỳ để có cách xử lý kịp thời sao cho đất trồng không bị chua Như vậy, nên ở khu vực Nghĩa Đàn, Thái Hòa thường có PH đất thấp đây là loại đất có mật độ tuyến trùng cao nên cần tăng cường sử dụng bón bổ sung vôi.

Biện pháp hóa học: Đối đất phối trộn làm bầu tuyệt đối phải xử lý nấm bệnh, tuyến trùng; đối với đất đã bị nhiễm tuyến trùng từ vụ trước, sau khi thu hoạch vụ trước xong tiến hành cày, phay và phơi đất trong 5-7 ngày, sau đó dùng vôi bột với lượng 50-60kg/sào (500m2) + thuốc Nokaph 10GR rải đều trên mặt đất với lượng 2,5-3,5kg/sào rồi phay lại lần nữa để tiêu diệt tuyến trùng tồn tại trong đất. Đối với vườn đã trồng cây con bị nhiễm tuyến trùng có thể dùng Nano khoáng canxi + Tervigo 020 SC hoặc Sicosin 056SL+Agrispon 056SL tưới vào đất xung quanh gốc cây để tiêu diệt tuyến trùng trong đất và trong vùng rễ cây. Nếu vườn bị nặng tiến hành tưới hai lần liên tục cách nhau 3-5 ngày. Lưu ý, khi tưới nên tưới thủ công hoặc dùng bình bơm (tháo béc phun) ra tưới trực tiếp vào phần đất xung quanh cây để đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi tưới thuốc hóa học xong dùng bộ đôi  Trichoderma Bacillus, Rootwell hoặc EM Root tưới vào gốc để phòng trừ nấm bệnh, tuyến trùng và kích thích rễ mới phát triển.

Rầy mềm (Rệp): Rầy mềm có 2 loại có cánh và không cánh, con trưởng thành dài 1,5 - 2 mm nằm ở mặt dưới của lá và gây hại chủ yếu trên các lá non và lá bánh tẻ. Rầy chích hút nhựa của lá và làm cho lá cong queo phát triển kém. Nếu bị nặng ảnh hưởng lớn tới năng xuất trên ruộng dưa lê. Phòng trừ bằng cách thăm đồng thường xuyên khi phát hiện rệp ngắt lá bị hại thu gom và đem tiêu hủy, nếu tỷ lệ hại từ 15% trở lên phải dùng thuốc hóa học để phun như: Arafat 270SC, Cyfitox 300 EC,…. Theo đúng hướng dẫn sử dụng trên bao bì và chú ý phun kỹ 2 mặt của lá dưa đặt biệt lá non và lá bánh tẻ.

Bệnh chạy dây, héo rũ: bệnh do nấm Fusarium SP gây nên, thường do độ ẩm đất và tuyến trùng là nguyên nhân khiến nấm bệnh bùng phát mạnh. Bệnh hại trên cả cây con và cây trưởng thành. Bệnh tấn công bộ rễ làm hư tổn rễ khiến cây không hút được nước và dinh dưỡng . Trên thân cây có dấu hiệu bị nứt khô ra, héo mòn từ lá cho đến thân, dần dần làm cây bị chết. Biện pháp phòng trừ: Xử lý tuyến trùng, tưới và giữ ẩm đất không quá cao, những cây bị bệnh nặng nhổ bỏ và đem tiêu hủy, những cây chớm bị bệnh dùng thuốc phun trừ như: Vikny 0,5SL, Mistop 350 SC, Pilartep 345SC,…. Liều lượng theo hướng dẫn trên bao gói và phun ướt đẫm vào phần gốc và cả phần đất cây bệnh nặng đã nhổ.

Bệnh Sương mai là tác nhân hại chính khiến nhà vườn thiệt hại năng suất và đau đầu trong việc phòng trừ. Bệnh do nấm Pseudoperonospora cubensis gây ra, bệnh phát triển trong điều kiện ẩm ướt kéo dài như mưa phùn, sương mù,… Triệu chứng vết bệnh ban đầu là những đốm màu xanh nhạt đến vàng, vết bệnh có góc cạnh giới hạn bởi gân lá. Bệnh nặng các đốm bệnh liền làm lá vàng hết lá và dưa không còn khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến năng xuất của ruộng dưa. Biện pháp phòng trừ: Bón phân cân đối, không để ruộng có độ ẩm quá cao, bấm ngọn phù hợp và không để mật độ quá dầy hay rậm rạp. Sau những đợt mưa ẩm hay sương mù kéo dài hoặc bệnh chớm xuất hiện phun thuốc phòng trừ như: Biorosamin 720WP, Anlia 600 WG, Ridomil Gold 72 WP, … theo hướng dẫn trên bao bì và phun ướt đều trên tán lá.

Bệnh Phấn trắng, nguyên nhân do nấm Erysiphe cichoracearum gây ra. Bệnh phát triển trong điều kiện mưa, nóng ẩm kéo dài. Bệnh gây hại chủ yếu trên lá, ban đầu xuất hiện tơ nấm màu trắng, sau bệnh nặng như bột phấn phủ khắp bề mặt lá làm lá bị khô vàng và cháy, trụi và chết. Bệnh nặng ở giai đoạn ra hoa đến mang trái. Biện pháp phòng trừ: Thăm ruộng thường xuyên sau những đợt nóng, ẩm kéo dài, khi bệnh mới xuất hiện phun phòng trừ bằng các loại thuốc như: Sixoastrobin 250SC, Anlia 600 WG,…

Nguyên tắc đầu tiên áp dụng cho tất cả các đối tượng cần lựa chọn hạt giống tốt, ngân ủ, làm bầu đảm bảo kỷ thuật để có cây con khỏe.

Bón phân cân đối, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, đặc biệt là phân hữu cơ vi sinh. Bón phân đúng lúc, đúng thời điểm trong từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây. Giai đoạn phát triển thân lá cây cần nhiều đạm, lân; phát triển quả cần nhiều đạm, kali; giai đoạn trước khi quả chín cần tăng cường Kali và các nguyên tố vi lượng.

Áp dụng luân phiên cây trồng, đặc biệt cây trồng khác họ. Cày ải, phơi đất hoặc áp dụng ủ đất để hạn chế, tiêu diệt cỏ dại và các sinh vật gây hại như tuyến trùng, nấm hại gây bệnh cây.

Trong sản xuất rau, củ, quả nói chung cây dưa nói riêng yêu cầu tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, có nguồn gốc sinh học, thuốc thảo mộc để thực hiện trong công tác phòng, ngăn chặn sớm. Khi có nguy cơ và thật cần thiết mới sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để thực hiện phòng trừ theo khuyến cáo nói trên.

                                                                                    Duy Hải - Chi cục TT&BVTV

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement