image banner
Cần quan tâm sử dụng đúng phân bón để đảm bảo chất lượng nông sản
Lượt xem: 135
Việc sử dụng phân bón hóa học tràn lan đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh hại gia tăng và làm tăng việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ngộ độc cho người dùng, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ung thư và làm xuất phát nhiều loại bệnh khó điều trị khác. 

Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hiện nay việc sử dụng phân bón hóa học tràn lan trong canh tác nông nghiệp đã gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp nước ta. Phân bón hóa học sử dụng nhiều và thường xuyên đã gây ô nhiễm môi trường đất. Phân bón hóa học tồn lưu trong đất gây chết nhiều vi sinh vật  đất vốn tồn tại trong tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và thiệt hại cho động vật sống trong môi trường nước. Dùng lạm dụng phân bón hóa học dưới dạng đạm ure và NPK đã để lại dư lượng nitrrat độc hại cho nông sản, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ. Việc sử dụng phân bón hóa học tràn lan đã dẫn đến tình trạng sâu bệnh hại gia tăng và làm tăng việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật độc hại. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gây ngộ độc cho người dùng, nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật có thể gây ung thư và làm xuất phát nhiều loại bệnh khó điều trị khác. 

Mặt khác, phải kể đến ảnh hưởng bất lợi của phân bón hóa học đến môi trường sinh thái đó là nguy cơ gây ngộ độc nitrat, phú dưỡng nước và tích lũy kim loại nặng trong nông sản. Liều lượng phân đạm cao trong đất đã làm tăng hàm lượng nitrat trong nước uống, nông sản và là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh xanh da, vì trong hệ thống tiêu hóa nitrat (NO3) bị khử thành nitrit (NO2) biến hồng cầu (Haemoglobin) vận chuyển oxy trong máu thành Methaemoglobin. Nitrat với liều lượng cao ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tuyến giáp và gây ngộ độc có thể dẫn đến tử vong cho người. Ngoài ra, nitrit khi ở trong cơ thể sẽ phản ứng với amin và tạo thành nitroamin - một tác nhân gây ung thư.

Thông qua việc bón phân đạm, lân và các yếu tố dinh dưỡng khác tích lũy trong sông, ao, hồ, đập chứa... gây nên hiện tượng phú dưỡng nguồn nước. Ở những nơi đó, rong rêu phát triển tranh chấp oxy với cá và các động vật thủy sinh khác, gây tắc nghẽn dòng chảy. Khi chết đi, chúng để lại một khối lượng sinh khối lớn, bị vi sinh vật phân hủy gây mùi hôi thối khó chịu, ô nhiễm nguồn nước và không khí.

Ngoài ra, phân lân có chứa nhiều kim loại nặng đặc biệt là Cadmium (Cd) khi được bón vào đất cây trồng sẽ sử dụng và gây nên nguy cơ tích lũy kim loại nặng trong nông sản. Thực tế sản xuất nông nghiệp trên thế giới và  ở Việt Nam đã khẳng định, phân bón trong giai đoạn vừa qua đã có nhiều đóng góp tích cực. Số lượng, chất lượng và chủng loại phân bón ngày một tăng cao, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Song mặt khác, việc sử dụng gia tăng phân bón hóa học trong sự mất cân đối nghiêm trọng giữa các yếu tố dinh dưỡng đã gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất và môi trường sinh thái. Để phát triển nông nghiệp bền vững, cần phải có chiến lược an toàn dinh dưỡng cho đất và cây trồng đó là bảo đảm cung cấp đủ liều lượng cần thiết các chất dinh dưỡng thiết yếu đúng lúc cây cần, theo tỷ lệ cân đối giữa các chất trong phân bón phù hợp với yêu cầu từng loại cây trên các vùng đất trồng dưới các điều kiện thời tiết, khí hậu khác nhau như: An toàn dinh dưỡng cho cây và đất trồng cũng có nghĩa là  bảo đảm và phát triển hệ sinh thái đất. Đất trồng không chỉ là tập hợp các nguyên tố hóa học, mà còn là một thế giới sống, nơi trú ngụ và sinh sống của hàng triệu triệu sinh vật, nơi từng giờ, từng phút diễn ra hàng loạt các phản ứng lý, hóa và sinh học. Thông qua các phản ứng lý, hóa, sinh học và các hoạt động của sinh vật sống, đất trồng mới có điều kiện để hồi phục và cân bằng thông qua các quy luật của tự nhiên. Nếu phá vỡ các quy luật này, đất sẽ bị hủy hoại và không phát huy được vai trò của nó. Bảo đảm an toàn dinh dưỡng cho cây và đất trồng không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn góp phần bảo vệ môi sinh, môi trường thông qua việc tạo thế cân bằng trong tự nhiên, giảm bớt hóa chất độc sử dụng trong phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Chiến lược an toàn dinh dưỡng cho cây và đất trồng là sử dựng cân đối phân bón hóa học và phân bón sinh học cho cây trồng phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và điều kiện đất đai, khí hậu trong đó phân bón sinh học có vai trò vô cùng quan trọng. Việc sử dụng đơn độc các loại phân hóa học đã làm chết các vi sinh vật có lợi vốn tồn tại tự nhiên trong đất, làm phá hủy cấu trúc địa lý tự nhiên của đất, dẫn đến đất đai bị chai cứng, bạc màu, làm giảm năng suất cây trồng và gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp lâu dài.

Anh-tin-bai

Để khắc phục những tác hại của phân bón hóa học, phân bón vi sinh đã được các nhà khoa học trên thế giới  tập trung nghiên cứu và được các công ty công nghệ sinh học của nhiều nước trên thế giới sản xuất ở mức độ lớn và thương mại hóa phục vụ nông nghiệp. Phân bón vi sinh là phân bón chứa một hay nhiều chủng vi sinh vật sống có ích đã đư­ợc tuyển chọn, chúng có khả năng cố định nitơ, tạo ra các chất dinh d­ưỡng  như  các acide amin hay  các hormone  sinh tr­ưởng thực vật như Indol acetic acide, giberellin, cytokinin hoặc có thể phân giải các hợp chất  photphat vô cơ  khó tiêu đối với cây trồng thành các chất cây trồng có thể hấp thu đ­ược, tạo điều kiện nâng cao năng suất và chất l­ượng nông sản. Phân bón vi sinh vật không có ảnh hư­ởng đến sức khỏe con ng­ười, vật nuôi và môi trư­ờng và hệ sinh thái.

Gần đây các nhà khoa học trên thế giới đã tập trung nghiên cứu và phát triển phân bón vi sinh đa chủng đa chức năng. Phân vi sinh đa chức năng được định nghĩa là một dạng của phân bón vi sinh vật, ngoài khả năng tạo nên các chất dinh dưỡng cho đất, cây trồng, còn có thể ức chế, kìm hãm sự phát sinh, phát triển của một số bệnh vùng rễ cây trồng do vi khuẩn và vi nấm gây nên.

Tại nhiều quốc gia người ta ngày càng chú ý nhiều đến các sản phẩm phân vi sinh vật hỗn hợp bao gồm tập hợp các nhóm vi sinh vật cố định nitơ, phân giải. lân, kích thích sinh trưởng thực vật, đối kháng vi sinh vật gây bệnh vùng rễ cây trồng do tác dụng tổng hợp của nó đối với đất, cây trồng và môi trường sinh thái. Các sản phẩm phân bón vi sinh vật chuyên tính như cố định nitơ hay phân giải lân đang dần dần được thay bằng sản phẩm vi sinh vật hỗn hợp có tính chức năng. 

Việt Nam là đất nước nông nghiệp có nhiều lợi thế về điều kiện khí hậu, đất đai, sự đa dạng sinh học cũng như nhân lực sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều phát triển vượt bậc. Thế nhưng lợi nhuận do sản xuất trồng trọt đối với nhiều loại cây trồng mang lại vẫn còn rất thấp. Để phù hợp với cơ chế thị trường nông sản Việt Nam cần nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế. Nông sản hữu cơ đang là sản phẩm được người tiêu dùng ở các nước phát triển ưa chuộng và có tiềm năng mở rộng thị trường ngày càng lớn.

Như vậy, quản lý dinh dưỡng tổng hợp cây trồng kết hợp với quản lý dịch hại tổng hợp là điều kiện tiên quyết cho sản xuất bền vững, có hiệu quả đồng thời đảm bảo để nông sản an toàn. Kết hợp các tiến bộ kỹ thuật về phân bón vi sinh vật, phân bón sinh học và kiểm soát sinh học dịch hại cây trồng, tạo ra giải pháp tổng hợp chăm bón cây và đất trồng là xu hướng phát triển chính của nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, trong đó phân vi sinh vật là yếu tố cơ sở quan trọng.

Nguồn tin: Phan Duy Hải - Chi cục Trồng trọt và BVTV

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement