image banner
Một số lưu ý trong chăm sóc ổi để tăng năng suất, chất lượng quả.
Lượt xem: 5634
Qua tìm hiểu cho thấy hiện nay có nhiều giống ổi được trồng ở Nghệ An, phổ biến như: Ổi xá lỵ nghệ, cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ đậu quả và năng suất cao, quả hình quả lê ổn định, thịt quả màu trắng dòn, hương thơm và vị ngon

Ổi thuộc loài thực vật dạng cây bụi, được trồng nhiều ở châu Á nhiệt đới và cận nhiệt đới. Cây thường dễ dàng được côn trùng thụ phấn. Ổi phát triển mạnh ở cả vùng khí hậu ẩm và khô ở độ cao 0- 2100 m ở một số vùng. Ổi đạt năng suất tối ưu ở những vùng có nhiệt độ trung bình từ 23-28°C và lượng mưa hàng năm đều 1000-2000mm. Cây ổi chịu được nhiệt cao nếu đủ nước nhưng không chịu được rét. Khi nhiệt độ khoảng dưới 18-20°C cây sẽ cho quả bé, phát triển chậm chất lượng kém. Cây ổi không kén đất nên có thể trồng được ở nhiều nơi trên các loại dất khác nhau. Chính vì khả năng thích ứng rộng, tiềm năng năng suất cũng như giá trị dinh dưỡng cao nên hiện nay ổi là cây ăn quả được trồng nhiều ở Nghệ An từ vườn hộ đến quy mô gia trại, trang trại để làm hàng hóa và đem lại giá trị kinh tế cao cho nhiều hộ trồng ổi.

Anh-tin-bai

  Ảnh: CB Chi cục TT&BVTV hướng dẫn bà con cách chăm sóc ở Nghĩa Đàn

 Qua tìm hiểu cho thấy hiện nay có nhiều giống ổi được trồng ở Nghệ An, phổ biến như: Ổi xá lỵ nghệ, cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ đậu quả và năng suất cao, quả hình quả lê ổn định, thịt quả màu trắng dòn, hương thơm và vị ngon. Vỏ quả hơi sần và lõi quả có hạt cứng. Ổi Đài Loan, cây sinh trưởng khá mạnh, tỉ lệ đậu quả khá cao và năng suất cao, quả hình cầu ổn định, vỏ quả láng, thịt quả màu trắng, giòn, hương thơm và vị rất ngon. Tuy nhiên, lõi quả có hạt cứng và số hạt/quả trung bình. Ổi ruột hồng da láng, cây sinh trưởng mạnh, tỉ lệ đậu quả khá cao và năng suất cao, quả hình quả lê ổn định, vỏ quả láng, thịt quả màu hồng đỏ, khá dòn, hương thơm và vị khá ngon. Tuy nhiên lõi quả có hạt cứng, nếu chế độ chăm sóc không phù hợp vị quả đôi khi còn có vị chát. Ổi không hạt Thái Lan, Ổi không hạt Mã Lai, Ổi ruby ruột đỏ  cây sinh trưởng mạnh, quả thuôn dài khá ổn định, chắc, giòn, hương thơm trung bình và không hạt. Tuy nhiên thực tế sản xuất kiểm chứng cho thấy các giống ổi không hạt này đều có tỷ lệ đậu quả biến động rất lớn vào kỷ thuật chăm sóc.

Nhìn chung, ổi cho năng suất khá cao và nếu chăm sóc tốt, năng suất có thể đạt khá cao 10-12kg/năm 1, 20-25kg/năm 2 và 35-40kg/cây/năm 3.

Bón phân giai đoạn kiến thiết: Phân hữu cơ: Cứ mỗi cây sẽ bón 30-50kg phân chuồng hoai mục. Dùng thêm NA. Oganic, đạm cá, bột đậu tương để tưới thường xuyên vào những cây có nụ khoảng 2-3 tuần/lần.

Năm thứ 1: Lượng phân bón cần cho một gốc ổi là: 100-200g phân NPK(16:16:8), 50g urê, 50g K2SO4. Có thể thay thế NPK bằng 2kg phân gà đã qua xử lý. Phân được hoà vào nước để tưới vào gốc cây. Tưới 4-6 lần trong một năm, bắt đầu từ sau khi trồng 20-30 ngày.

Bón phân giai đoạn kinh doanh: Tuy ổi rất kỵ việc lạm dụng phân hóa học, nhất là đạm vì gây tốt lá xấu hoa, chất lượng quả kém và hấp dẫn sâu bệnh hại. Tuy nhiên, tùy thuộc vào từng loại đất việc bón đúng, bón đủ phân các loại trong dó có phân hóa học mới khai thác được tối đa năng suất, sản lượng, cụ thể:

Năm thứ 2: Lượng phân bón cho một gốc: 200-300g phân NPK (13:13:13, 16:16:8), 100g urê, 100g KCL. Chia thành 4 lần để bón trong 1 năm. Lưu ý: Có thể thay thế NPK bằng 3kg phân gà đã qua xử lý hoặc 3-4 kg hữu cơ vi sinh.

Năm thứ 3: Khi cây cho quả ổn định, tiến hành bón phân thành nhiều lần. Bón thúc ra hoa: 200-300g phân NPK (13:13:13, 16:16:8) hoặc 3kg phân gà đã qua xử lý. Bón nuôi quả:1-1,5 tháng sau khi bón nuôi hoa. Tiếp tục bón 15 ngày 1 lần kết hợp với bấm ngọn để kích thích ra chồi và nuôi quả. Bón tất cả khoảng 10 lần. Lượng bón cho một cây: 100-200g NPK(16:16:8), 100g urê, 100g K2SO4 và 10-20kg phân hữu cơ hoặc có thể thay thế bằng 4-5kg phân HCVS.

Tùy thuộc vào mùa vụ, nhưng quả ổi chỉ khoảng 2,5-3 tháng là thu hoạch được, nên mỗi năm có thể thu 2 hoặc hơn 2 lứa quả. Căn cứ tình trạng thu quả để có chế độ bón phân thích hợp là rất càn thiết được bà con quan tâm áp dụng trong chăm sóc.

Như vậy, đối với các loại cây ăn quả phổ biến ở Nghệ An hiện nay, ổi là cây dễ tính, tương đối ít sâu bệnh hại nặng, yêu cầu không quá cao về phân hóa học. Do đó, việc các địa phương cần quan tâm hỗ trợ để phát triển sản xuất ổi hữu cơ, hướng hữu cơ kết hợp việc đăng ký mã vùng, mã vạch để đăng ký nhãn hiệu dần hình thành phát được các thương hiệu chất lượng cao là điều cần thiết phải quan tâm.

Bên cạnh sử dụng phân bón, tùy thuộc vào giống ổi để lựa chọn bấm cành, tạo tán, lấy cành quả phù hợp. Phổ biến cơ bản hiện nay trên thị trường gồm 02 dòng ổi được trồng nhiều làm hàng hóa đó là ổi lê Đài loan và ổi ruby ruột đỏ không hạt. Cũng là ổi trồng lấy quả nhưng đối với 02 giống ổi này có nhiều khác biệt trong chăm sóc, nuôi quả nên bà con nên hết sức quan tâm lưu ý. Đối với ổi lê đài loan sau khi thu hoạch cắt các cành sau:

- Cắt bỏ những cành mọc xà, cành mọc ở dưới không cho trái hoặc trái nhỏ.

- Cắt bỏ những cành la, cành vượt không cho trái, những cành mọc cao quá cũng cần bỏ.

- Tỉa bỏ những cành mọc chồng chéo lên nhau tạo tán cây thông thoáng

- Áp dụng đốn đau để trẻ hóa những vườn cây đã già, dùng kéo hoặc cưa cắt hết các loại cành.

- Cắt cành để lấy cành quả và tạo tán, việc cắt cành để lấy cành quả và tạo tán đối với ổi lê Đài loan áp dụng muộn để kết hợp tập trung dinh dưỡng nuôi quả, thực hiện khi quả đã khá lớn (xấp xỉ quả cà pháo) và để chừa lại trên quả 1-3 cặp lá. Nếu cành ở cao, đủ tán thì cắt sát và chừa 1 cặp lá, đối với chỗ thưa, cần phát triển nhiều cành kế tiếp để 2- 3 cặp lá. Đây cũng là khoảng thời gian phù hợp để kết hợp với việc bao quả chống ruồi đục quả và các nấm bệnh hại quả khác. Khi cố định trái ổi để lồng bao, cần kết hợp động tác xoa nhẹ để loại bỏ núm quả để loại bỏ nấm bệnh, sâu hại ký sinh ở đây sau khi bọc.

Do ổi dòng này rất khó đậu quả so ổi lê Đài loan, đối với ổi ruby ruột đỏ thì việc bấm ngon nuôi quả hoàn toàn phải thực hiện sớm, ngay khi cặp hoa đã lớn và sắp nở, tiến hành bấm ngọn và yêu cầu bấm sát ngay cặp quả để tăng khả năng thụ phấn, đậu quả và nuôi quả sau này.

Trên đây là một số kỷ thuật còn xẩy ra thiếu sót trong quá trình chăm sóc mà chúng tôi quan sát, nhận thấy thường xẩy ra trong thực tiễn. Như vậy, để tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất ổi bà con cần lưu ý nhận biết để khắc phục trong áp dụng chăm sóc ổi hiện nay. Bên cạnh đó, cây ổi khá phù hợp để phát triển sản xuất hữu cơ, hướng hữu cơ kết hợp việc đăng ký mã vùng, mã vạch để đăng ký nhãn hiệu từ dó dần hình thành phát triển được các thương hiệu ổi chất lượng cao là điều cần thiết phải quan tâm để thực hiện.

                                                                             Duy Hải -Chi cục TT&BVTV

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement