image banner
Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu phi trên địa bàn huyện Tương Dương
Lượt xem: 104
Đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 03 xã Nga My, Yên Na và Lưu Kiền

Thực hiện Quyết định số 171/QĐ-SNN-CNTY ngày 11 tháng 4 năm 2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thành lập Đoàn kiểm tra công tác phát triển chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2024.

Ngày 16-18/10/2024, Đoàn kiểm tra do đồng chí Trần Võ Ba, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An làm trưởng đoàn đã làm việc với huyện Tương Dương về công tác phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh. Làm việc với đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Hữu Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện, lãnh đạo, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Tương Dương.

Anh-tin-bai

Hình ảnh. Đoàn kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh DTLCP tại xã Nga My

Tương Dương là huyện vùng núi cao của tỉnh Nghệ An, có trên 90% là người nông dân sản xuất nông nghiệp, trong đó chăn nuôi là ngành sản xuất chính. Tổng đàn trâu bò toàn huyện là 48.970 con, lợn 25.846 con, gia cầm 409.423 con; chăn nuôi tập trung chủ yếu tại các xã dọc quốc lộ 7A và các xã vùng trong với phương thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ.

Toàn huyện có 17 xã, thị trấn, trong đó có 05 xã, thị trấn thuộc khu vực I và 12 xã thuộc khu vực III; có 146 khối, bản, làng, trong đó có 91 bản đặc biệt khó khăn.

Anh-tin-bai

Hình ảnh. Đoàn kiểm tra làm việc với UBND xã Lưu Kiền và xã Yên Na

Đoàn đã trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) tại 03 xã Nga My, Yên Na và Lưu Kiền. Đây là các xã thuộc khu vực III, đường xá đi lại rất khó khăn. Tại xã Nga My, bệnh DTLCP xảy ra từ ngày 04/9/2024, đến nay, dịch bệnh đã lây lan ra 04 bản, tổng số lợn tiêu hủy 383 con; xã Yên Na, dịch xảy ra từ ngày 27/8/2024, đến nay đã lây lan ra 05 bản, số lợn tiêu hủy là 279 con; xã Lưu Kiền, dịch xảy ra từ ngày 04/10/2024, đến nay đã lây lan 04 bản, số lợn tiêu hủy 39 con. Đoàn đã yêu cầu 02 xã Nga My, Yên Na chấn chỉnh công tác phòng, chống bệnh DTLCP, tiến hành rà soát ngay tổng đàn để quản lý; xử lý dịch bệnh theo đúng quy định; hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp an toàn sinh học, không tăng đàn, tái đàn khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn dịch bệnh…; Riêng xã Lưu Kiền thwucj hiện khá tốt công tác phòng, chống bệnh DTLCP.

Qua kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình, tại các bản bị dịch, đoàn nhận thấy bệnh DTLCP lây lan trên địa bàn chủ yếu do các nguyên nhân: (1) Hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ nhưng mật độ lớn, chuồng sát chuồng, chạy dọc khe suối; nước, rác thải của quá trình chăn nuôi xả thải trực tiếp ra môi trường; (2) Chính quyền một số xã còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; chưa rà soát, quản lý được đàn vật nuôi; (3) Công tác tiêu hủy lợn chết, lợn bị bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi còn giao cho hộ gia đình tự tiêu hủy làm phát tán mầm bệnh; (4) Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại hộ bị dịch, vùng dịch chưa triệt để; (5) Nhân viên thú y xã còn chủ quan, điều trị lợn bị bệnh DTLCP; (6) Người chăn nuôi chưa thực hiện tốt “6 không” trong phòng, chống bệnh DTLCP, còn hiện tượng giấu dịch, bán chạy, giết mổ lợn bị bệnh, vứt xác lợn ra môi trường; sử dụng thức ăn thừa, chưa nấu chín cho lợn ăn; dùng nước khe suối tắm lợn, cho lợn uống...

Anh-tin-bai

 

Hình ảnh. Đoàn kiểm tra làm việc với UBND huyện Tương Dương

Sau khi kiểm tra tại cơ sở, đoàn đã có cuộc làm việc với UBND huyện, tại buổi làm việc đoàn ghi nhận những cố gắng của UBND huyện Tương Dương và các phòng, đơn vị liên quan trong công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh. UBND huyện đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, kế hoạch phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh năm 2024, bố trí kinh phí phòng chống dịch cho các xã khu vực III mỗi xã 100 triệu đồng và các xã khu vực I mỗi xã 110 triệu đồng; tổ chức trên 60 lớp tập huấn tại các xã về chăn nuôi và phòng bệnh cho đàn vật nuôi; triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi theo Kế hoạch số 3602/KH-SNN.CNTY ngày 30/8/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài số lượng hóa chất tỉnh cấp, UBND các xã và người dân mua thêm 400 lít hóa chất và 5,5 tấn vôi bột để tiêu độc, khử trùng; tập trung triển khai các giái pháp phòng, chống bệnh DTLCP...

Theo báo cáo của huyện, trong 10 tháng đầu năm (tính đến ngày 15/10/2024), DTLCP xảy ra tại 387 hộ thuộc 22 bản của 6 xã, số lợn tiêu hủy là 1.331 con, tổng trọng lượng 55.232 kg. Hiện còn 04 ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Hiện nay, bệnh DTLCP đang diễn biến phức tạp, đoàn đề nghị UBND huyện tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, huy động lực lượng triển khai các giải pháp:

Về giải pháp hành chính: Ban hành văn bản chấn chỉnh công tác phòng chống bệnh DTLCP, đặc biệt là 01 số xã đang chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch, giám sát, phát hiện, báo cáo dịch chậm; các xã chưa có dịch cần tăng cường công tác tuyên truyền, chủ động các giải pháp phòng dịch.

Về giải pháp kỹ thuật: Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, báo cáo xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch; Thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy lợn đảm bảo an toàn sinh học, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; ưu tiên tiêu hủy ngay tại vườn của hộ gia đình/trang trại chăn nuôi có lợn bị bệnh, trong bản có dịch nếu có nơi chôn lấp phù hợp. Trường hợp trong bản/hộ không có đất để tiêu hủy thì chọn địa điểm phù hợp nhưng không quá xa ổ dịch để tránh phát tán mầm bệnh; Rà soát, thống kê tổng đàn lợn để quản lý; Tuyên truyền người dân thực hiện “6 không” trong phòng, chống bệnh DTLCP; Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tăng đàn, tái đàn; kiểm soát việc giết mổ, đưa vào, mang ra khỏi vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp lợn và các sản phẩm của lợn...

Qua buổi làm việc, đoàn cũng đã giải đáp, trả lời một số kiến nghị, đề xuất của UBND huyện thuộc thẩm quyền của đoàn; đồng thời ghi nhận, tiếp thu một số nội dung kiến nghị để tổng hợp, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh và tham mưu đề xuất các giải pháp thực hiện tốt hơn công tác phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh thời gian tới.

                                                Kim Dung - Phòng Quản lý dịch bệnh

 

Lịch làm việc
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement