Hội nghị xúc tiến liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng sản xuất tại vùng Bắc Trung Bộ
Ngày 28/10/2024 Cục Lâm
nghiệp phối hợp với Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT
Nghệ An tổ chức Hội nghị xúc tiến liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn,
có chứng chỉ quản lý rừng bền vững giữa chủ rừng với doanh nghiệp chế biến gỗ rừng
trồng sản xuất tại vùng Bắc Trung Bộ tại Nghệ An.
Ông Triệu Văn Lực, Phó Cục trưởng Cục Lâm
nghiệp khai mạc Hội Nghị
Khu vực Bắc
Trung bộ đứng đầu cả nước về phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn
Báo cáo về Thực trạng hợp tác, liên kết
đầu tư phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền
vững gắn với chế biến gỗ và thị trường lâm sản tại các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ,
ông Nguyễn Tuấn Hưng - Phòng chế biến và thương mại lâm sản – Cục Lâm nghiệp
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – cho biết, Theo số liệu công bố diễn biến
tài nguyên rừng toàn quốc, đến năm 2023, riêng vùng Bắc Trung Bộ (BTB) có diện
tích đất trên 3,1 triệu ha, xếp thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Bắc Bộ) về diện
tích (chiếm 21,2%), trong đó rừng tự nhiên là 2,2 triệu ha và rừng trồng là gần
1 triệu ha. Cụ thể về diện tích rừng trồng sản xuất các tỉnh vùng BTB: tỉnh Thanh Hóa: 255 nghìn ha (xếp thứ 3 cả nước);
tỉnh Nghệ An: 219 nghìn ha; tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị đều có diện
tích gần 120 nghìn ha; tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích thấp nhất là 98 nghìn
ha
Cùng với
xu thế chung của cả nước, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ đã triển khai hiệu quả các
cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức và người dân
tham gia trồng rừng sản xuất và đã hình thành các vùng nguyên liệu tập trung. Thực hiện Chỉ thị số
13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về dừng
khai thác gỗ rừng tự nhiên trên phạm vi cả nước; ngăn chặn kịp thời, hiệu quả
tình trạng suy thoái rừng, cùng với đó là tập trung phát triển rừng
trồng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng trồng, nhờ đó sản lượng khai thác gỗ
rừng trồng tăng nhanh chóng, nếu như
năm 2018,
sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác từ rừng trồng tập trung là 18,5 triệu m3
thì năm 2023 đã tăng lên 21,5 triệu m3, đáp ứng trên 50% nhu cầu nguyên
liệu cho chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ. Lượng gỗ khai thác rừng trồng hàng năm
của toàn vùng đạt khoảng 5,3 triệu m3 (tương ứng với diện tích
hơn 60 nghìn ha) chiếm gần 25% tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng tập
trung cả nước.
Hiện nay, vùng Bắc Trung bộ có gần 105
nghìn ha rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chiếm gần 20,4% diện
tích rừng được cấp chứng chỉ trong cả nước, trong đó, rừng tự nhiên là 31 nghìn
ha, rừng trồng gần 74 nghìn ha.
Về phát triển trồng rừng sản xuất gỗ lớn,
đến nay, cả nước đã trồng và chuyển hoá được 445.480 ha rừng trồng gỗ lớn.
Trong đó, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ đạt 234.847 ha cao nhất trên toàn quốc,
chiếm 52,7 %.
Hiện nay, các tỉnh vùng Bắc Trung bộ có
691 cơ sở/doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản chiếm 11,1% số doanh nghiệp của
cả nước, chủ yếu phân bố tại 3 tỉnh có nguồn nguyên liệu rồi rào và thuận lợi
giao thông là Thanh Hóa, Nghệ An và Quảng Bình.
Đại biểu tham dự hội nghị phát
biểu
Có sự khác biệt rõ rệt theo các ngành
hàng, các doanh nghiệp chế biến sản phẩm gỗ có số lượng lớn nhất là 517 doanh
nghiệp, chiếm 14,8% tiếp đó là số lượng doanh nghiệp chế biến ván thanh 72
doanh nghiệp chiếm 10,4%, đứng thứ 3 là cơ sở chế biến dăm gỗ 52 cơ sở chiếm
7,5%. Trong khi sản phẩm viên nén có tỷ trọng rất thấp có 5 doanh nghiệp ở các
tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên Huế và Nghệ An.
Bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng gỗ
và sản phẩm gỗ của người dân địa phương, ngành chế biến gỗ các tỉnh vùng Bắc
Trung bộ còn đóng góp một phần không nhỏ cho thành công xuất khẩu gỗ và lâm sản
của cả nước. Doanh thu từ các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh gỗ và sản phẩm
không chỉ đóng góp và sự phát triển kinh tế địa phương mà còn tạo ra nhiều công
ăn việc làm cũng như cải thiện đời sống cho người dân địa phương.
Giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bình
quân giai đoạn 2022 - 2024 của các tỉnh vùng Bắc Trung bộ ước đạt 806 triệu
USD/năm, chiếm 5,6 % giá trị xuất khẩu của cả nước, đứng sau vùng Đông Nam Bộ,
chiếm 64,2%, vùng Nam Trung Bộ, chiếm 11,6%, vùng Đồng Bằng Sông Hồng 9,9%,
vùng Đông Bắc, 6,2%.
Triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch
số 1391/KH-BNN-TCLN về Phát triển kinh tế hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị
sản phẩm trong lâm nghiệp giai đoạn 2014-2020 và Nghị định số 98/2018/NĐ-CP
ngày 05/7/2018 về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong
sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ xây dựng
được 13 mô hình hợp tác, liên kết giữa doanh nghiệp với các hộ dân đầu tư trồng
gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, với diện tích được cấp chứng chỉ
quản lý rừng bền vững là 32.590 ha, chiếm gần 42,3% diện tích rừng gỗ lớn, có
chứng chỉ quản lý rừng bền vững được hình thành từ hợp tác liên kết đầu tư của
doanh nghiệp chế biến gỗ với chủ rừng của cả nước.
Vẫn chưa
tương xứng với tiềm năng, lợi thế
Mặc dù, vùng Bắc Trung bộ đứng thứ 2 trong
cả nước về thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết với chủ rừng đầu tư trồng
rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chỉ sau vùng Đông
Bắc, nhưng sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng của vùng. Cụ thể, diện
tích rừng gỗ lớn có chứng chỉ quản lý rừng bền vững do sự hợp tác, liên kết
giữa doanh nghiệp và chủ rừng chỉ chiếm trên 3,5% diện tích rừng trồng của cả
vùng, 44% diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững của cả vùng.
Ông Phùng Thành Vinh, Giám đốc
Sở NN và PTNT Phát biểu tại hội nghị
Việc phát triển hợp tác, liên kết, đầu tư
trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại vùng Bắc
Trung Bộ vẫn còn những khó khăn, tồn tại nhất định. Theo đó, chưa có nhiều
doanh nghiệp quan tâm hợp tác, liên kết với chủ rừng đầu tư trồng rừng sản xuất
gỗ lớn, có chứng nhận quản lý rừng bền vững và bao tiêu sản phẩm. Có thời điểm,
giá bán gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chênh không nhiều so với gỗ không
có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, không tương xứng với chi phí bỏ ra để
làm chứng chỉ quản lý rừng bền vững;...
Bên cạnh đó là những khó khăn về đất đai
và hạ tầng. Theo đó, diện tích đất đã giao cho các hộ gia đình nhỏ lẻ, khó tạo
được vùng nguyên liệu lớn, gây khó cho việc thu mua và vận chuyển đến nơi chế
biến.
Việc tích tụ đất đai để có quy mô đủ lớn
cho sản xuất hàng hóa khó thực hiện do các quy định về hạn điền; người dân vẫn
còn tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết lâu dài bền vững. Công tác quy
hoạch lâm nghiệp còn hạn chế, việc giao đất vẫn còn tình trạng tranh chấp,
chồng chéo gây khó khăn cho phát triển vùng quy hoạch phát triển trồng rừng sản
xuất gỗ nguyên liệu.
Việc vay vốn từ các ngân hàng thủ tục còn
khó khăn, thời gian cho vay ngắn, đòi hỏi phải có tài sản thế chấp nên các
doanh nghiệp và hộ gia đình khó tiếp cận được nguồn vốn vay. Nguồn kinh phí hỗ
trợ từ ngân sách nhà nước theo các chính sách hiện hành chưa đáp ứng được nhu
cầu của thực tiễn. Chính sách liên kết phát triển vùng nguyên liệu, thu mua lâm
sản hiện nay chưa khuyến khích được doanh nghiệp và người dân tham gia.
Để thu hút hợp tác liên kết trồng rừng sản
xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững tại khu vực này, các chuyên gia
nhận định, cần rà soát, tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, đồng thời
triển khai thực hiện hiệu quả các chính hỗ trợ tạo điều kiện, thu hút doanh
nghiệp, chủ rừng tham gia vào hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ
lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Bên cạnh đó, kịp thời đánh giá, tổng
kết các mô hình hợp tác, liên kết đầu tư trồng rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng
chỉ quản lý rừng bền vững hoạt động có hiệu quả, làm cơ sở để nhân rộng. Đẩy
mạnh các hoạt động tổ chức hội nghị, hội chợ triển lãm,... nhằm quảng bá sản
phẩm và xúc tiến các thành phần kinh tế tham gia hợp tác, liên kết đầu tư trồng
rừng sản xuất gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững gắn với chế biến và
thị trường tiêu thụ.
Đình Cường - Thanh Sơn - BQL Lâm nghiệp CNC