Hội thảo tập huấn “Tăng cường hiệu quả quản lý các Khu dự trữ sinh quyển Thế giới tại Việt Nam”
Ngày 21/10/2024, Trung tâm Phát triển Cộng đồng Sinh thái
(ECODE) đã phối hợp với Văn phòng BQL Khu dự trữ sinh quyển Miên Tây Nghệ An và
BQL Khu BTTN Pù Hoạt tổ chức Hội thảo tập huấn “Tăng cường hiệu quả quản lý các
Khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam”. Đây là một những hoạt động nằm
trong khuôn khổ đề tài Nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn và đề xuất khung hướng
dẫn quản lý Khu DTSQ thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam. Hội thảo tập
huấn được tổ chức với mục đích tạo cơ hội cho các Khu DTSQ thế giới tại Việt
Nam thảo luận về xây dựng Khung mô hình quản lý, đồng thời lắng nghe những kinh
nghiệm thực tiễn quản lý từ các Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam để cũng cố, hoàn
thiện khung hướng dẫn quản lý khu DTSQ thế giới phù hợp với thực tiễn, quy định
của pháp luật và yêu cầu quản lý của UNESCO.
Toàn cảnh Hội thảo
Đến thời điểm hiện tại, ở Việt Nam đã có 11 Khu dự trữ sinh
quyến thế giới đã được UNESCO công nhận, trở thành quốc gia có số lượng khu
DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 Khu DTSQ thế giới).
Đây là những khu vực có giá trị đặc biệt về bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học
và đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc của đất nước. Tổng diện tích của 11 Khu
DTSQ chiếm khoảng 14,69% diện tích tự nhiên của cả nước. Các Khu DTSQ đã được
công nhận có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ trong công tác bảo tồn thiên
nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học, mà còn là “những phòng thí nghiệm sống” phục vụ
cho nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển bền vững dựa trên sự
gắn kết hài hoà giữa con người và thiên nhiên. Với chủ trương xây dựng và phát
triển mạnh mẽ mạng lưới các khu DTSQ thế giới đã thể hiện rõ nỗ lực, quyết tâm
của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học
và ứng phó với biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững.
Ts Hoàng Hà - Trung tâm Phát triển
Cộng đồng Sinh thái giới thiệu khái quát tổng quan hiện trạng quản lý KKDTSQ thế
giới tại Việt Nam
Tuy nhiên, sau gần 24 năm kể từ ngày Khu DTSQ thế giới đầu
tiên tại Việt Nam được UNESCO công nhận (Khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ được
công nhận ngày 21/1/2000), thì công tác quản lý, khai thác các tiểm năng của
Khu DTSQ thế giới phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó
khăn, bất cập. Nguyên nhân chủ yếu như sau:
Một là, các tiêu chí, nguyên tắc quản lý theo yêu cầu và hướng
dẫn của UNESCO đối với các Khu DTSQ thế giới được công nhận có nhiều điểm chưa
phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.
Hai là, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm và đang lúng túng
trong việc quản lý các Khu DTSQ thế giới đã được công nhận. Việt Nam vẫn chưa
chính thức thống nhất ban hành các tiêu chí, khung pháp lý phù hợp để hướng dẫn
quản lý, khai thác các Khu DTSQ thế giới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, Yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế - xã hội,
phát triển cơ sở hạ tầng … và nhu cầu về việc làm, thu nhập của người dân đang
tạo áp lực rất lớn trong công tác quản lý đối với các Khu DTSQ, đặc biệt các
khu vực vùng lõi.
Ts Nguyễn Văn Sinh - Giám đốc
BQL Khu BTTN Pù Hoạt chia sẻ kinh nghiệm từ vùng lõi - Khu BTTN Pù Hoạt
Hội thảo tập huấn được tổ chức nhằm chia sẽ những cơ sở lý
luận, kinh nghiệm của quốc tế và bài học thực tiễn ở Việt Nam về quản lý Khu
DTSQ thế giới được UNESCO công nhận. Đồng thời giới thiệu các bên tham gia về
những điểm chính, vấn đề cốt lõi nhất đang được định hướng để xây dựng khung hướng
dẫn quản lý, kế hoạch và mô hình phát triển xanh cho các khu DTSQ thế giới được
UNESCO công nhận tại Việt Nam theo yêu cầu và hướng dẫn của UNESCO và phù hợp với
điều kiện thực tiễn của Việt Nam. Thông qua Hội thảo tập huấn lần này, các bên
liên quan, đặc biệt là các Khu DTSQ sẽ tiếp tục nghiên cứu, góp ý bổ sung để
hoàn thiện khung pháp lý này.
Tham gia Hội thảo có nhiều nhà khoa, chuyên gia nghiên cứu về
lĩnh vực sinh quyển và phát triển con người như: Ts Hoàng Hà - Trung tâm Phát
triển Cộng đồng Sinh thái; Ts Võ Thanh Sơn - nguyên Viện trưởng Viên Sinh thái
và Tài nguyên sinh vật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Nguyễn Văn Gia – chuyên gia tư
vấn của Liên hiệp quốc về con người và sinh quyển; Đại diện lãnh đạo BQL các
khu DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An; Khu DTSQ quần đảo Cát Bà và khu DTSQ Miền
Tây Nghệ An và các đơn vị liên quan.
Hội thảo tập huấn đã được Trung tâm Phát triển Cộng đồng
Sinh thái giới thiệu tổng quan về hiện trạng quản lý khu dự trữ sinh quyển thế
giới tại Việt Nam, đồng thời nghe báo cáo tham luận chia sẽ về mô hình quản lý
từ khu DTSQ DTSQ thế giới Cù Lao Chàm – Hội An; Khu DTSQ quần đảo Cát Bà và khu
DTSQ Miền Tây Nghệ An. Những báo cáo chia sẽ về mô hình quan lý của các khu
DTSQ là cơ sở thực tiễn quan trọng để các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và
xây dựng khung hướng dẫn về quản lý các khu DTSQ thế giới tại Việt Nam để đảm bảo
sự thống nhất, hiệu quả và phù hợp giữa thực tiễn điều kiện của Việt Nam và yêu
cầu quản lý của UNESCO.
Trong khuôn khổ của chương trình Hội thảo tập huấn này, các
chuyên gia và thành viên tham gia Hội thảo tập huấn đã có các chuyến khảo sát
thực địa tại Khu BTTN Pù Hoạt, huyện Quế Phong và thăm quan các mô hình phát
triển dược liệu dưới tán rừng tại xã Yên Hoà, huyện Tương Dương.
Nguyễn Văn Sinh
– BQL KBTTN Pù Hoạt